mang tính giải trí cao, có thể xúc tiến cho các hãng hàng không nói chung
chứ không riêng nhà quảng cáo.
Đôi khi đội ngũ sáng tạo cảm thấy cần thiết phải sử dụng tính hài hước
một cách hầu như vô cớ – chẳng vì lý do chức năng nào cả, ngoài chuyện
làm ra vẻ thông minh – đặc biệt là trong câu khẩu hiệu cuối phim. Những
câu đệm thêm không liên quan cuối phim quảng cáo hầu như không giúp thu
hút thêm sự chú ý cho mẩu quảng cáo. Ngoài ra, nó còn có xu hướng xóa trí
nhớ ngắn hạn và làm nhiễu thông điệp chính của mẩu quảng cáo. Cần phân
biệt những câu khẩu hiệu vừa đề cập với những câu khẩu hiệu giúp củng cố
thông điệp, chẳng hạn:
Cuối phim quảng cáo chocolate M&M là câu khẩu hiệu ‘Chỉ tan trong
miệng, không chảy nước trên tay’.
Những câu khẩu hiệu cuối phim quảng cáo củng cố thông điệp thế này
thỉnh thoảng được gọi là ‘klitchnik’.
Quảng cáo chứng thực (testimonials)
Quảng cáo chứng thực có thể được dùng để tăng sự chú ý, đặc biệt là với
quảng cáo trên radio và báo chí. Tuy đây có thể là một hình thức quảng cáo
rất hiệu quả nhưng không phải lúc nào quảng cáo chứng thực cũng được thực
hiện một cách hoàn hảo. Dụng ý đằng sau việc dùng sự bảo chứng của người
tiêu dùng thực là mô phỏng quảng cáo truyền miệng. Nhà quảng cáo có thể
dùng hình ảnh một ‘chuyên gia’ (ví dụ: phương pháp ‘bác sĩ mặc áo blu
trắng’), nhưng thông thường họ dùng hình ảnh ‘người tiêu dùng điển hình’
hệt như chúng ta. Đây là phương pháp ‘người tiêu dùng hài lòng’. Ví dụ, ở
Mỹ, các mẩu quảng cáo nhạc kịch Broadway thường có nhiều khán giả thực
trầm trồ về buổi diễn.
Quá trình đồng cảm và gắn mình cùng nhân vật cho thấy hình ảnh ‘người
tiêu dùng hài lòng’ càng giống chúng ta bao nhiêu thì sự quảng cáo chứng
thực của họ càng hiệu quả bấy nhiêu. Do vậy, ở nhiều quốc gia, hình thức
quảng cáo chứng thực thường được các công ty sử dụng khi muốn tiếp thị
đến nhóm người tiêu dùng có nghề nghiệp đặc biệt như nông dân trang trại,
thợ làm ống nước hay thầu xây dựng.