Trong môi trường cạnh tranh, cần đầu tư một khoản tiền khổng lồ, đôi khi
qua một khoảng thời gian dài, để phát huy hiệu quả của những cơ chế như:
sự ghi nhận thông tin ngoài nhận thức, biến thương hiệu thành những biểu
tượng, khiến người tiêu dùng nhìn nhận thương hiệu theo một góc độ khác,
sức ảnh hưởng của sự phục tùng đa số và việc sử dụng thương hiệu để thể
hiện cá tính. Ngay cả những công ty quy mô nhất cũng không đủ tiềm lực tài
chính để chi cho những chiến dịch quảng cáo cần thiết nhằm ‘thao túng’
chúng ta trên quy mô rộng, như những kẻ thù của quảng cáo vẫn e ngại. Điều
này lại càng đúng khi thương hiệu không mang lại lợi ích độc đáo hay không
có khác biệt so với các thương hiệu khác, và phải cậy vào quảng cáo để tạo
ra sự khác biệt.
Ngay cả những sản phẩm thực sự mang lại lợi ích hơn hẳn đối thủ thì cũng
cần sẵn sàng đầu tư rất nhiều để chuyển tải được thông điệp lợi ích vượt trội
đó đến người tiêu dùng.
Cả những thương hiệu nổi trội như Coca Cola cũng hiếm khi nào chiếm đa
số trong tổng chi tiêu quảng cáo của cả ngành hàng. Ví dụ ở những thị
trường như Mỹ, Anh và Úc, Coca Cola thường chiếm ít hơn một phần ba
tổng chi tiêu quảng cáo của cả ngành nước ngọt. Tỉ lệ đó sẽ càng nhỏ đi nếu
chúng ta xét cả những loại nước giải khát khác, vốn không được coi là đối
thủ cạnh tranh trực tiếp của Coca Cola, như nước uống đóng chai, nước trái
cây, sữa, trà và cà phê. Tóm lại, cả những thương hiệu khổng lồ cũng hiếm
khi chiếm trọn môi trường quảng cáo.
Tạo ra nhu cầu
Những người ‘chống quảng cáo’ thường cảm thấy nhà quảng cáo tạo ra
nhu cầu và xúi giục chúng ta mua những thứ mình không thực sự cần hay
muốn. Cơ chế tâm lý học trong quảng cáo có thể được sử dụng đến mức độ
nào để tạo ra nhu cầu hay xúi giục chúng ta như thế? Trước khi bạn trả lời,
có 2 câu hỏi liên quan bạn cần trả lời trước. Chúng ta thực sự cần những gì?
Và vai trò của quảng cáo trong việc khiến chúng ta chú ý đến những sản
phẩm mới?