Một nguyên nhân nữa là điều huyễn hoặc này khớp với hình ảnh về quảng
cáo mà cả giới quảng cáo vẽ nên. Như đã thấy ở Chương 1, người ta tin là
quảng cáo có sức ảnh hưởng to lớn hơn thực tế. Một khi chúng ta quy đổ
những quyền năng như pháp sư vào tay các công ty quảng cáo, chúng ta tiến
một bước tới việc công nhận họ có một quyền năng tương tự thời hiện đại:
quyền năng thuyết phục chúng ta qua tiềm thức.
Giới truyền thông cũng góp phần vào việc cổ xúy niềm tin này. Sự huyền
bí làm nên bài báo hay, lôi cuốn nhiều độc giả. Quảng cáo tiềm thức cũng
đánh vào thể loại huyền bí như những chương trình truyền hình Heroes , The
X-Files hay Ripley’s Believe It or Not .
Nhưng chẳng lẽ chuyện đơn giản là thế? Tất cả chỉ là huyễn hoặc, hoang
đường, lầm lẫn? Không. Còn một lý do quan trọng nữa khiến niềm tin về
quảng cáo tiềm thức lại tồn tại lâu đến thế. Không hẳn là nó hoàn toàn không
có tác dụng. Một vận động viên nhảy cao có thể nhảy cao đến 2m, nhưng
không có nghĩa là con người biết bay. Có những giới hạn về mức nhảy cao
của con người mà không dụng cụ hỗ trợ. Tương tự như thế, như chương
trước của sách này đã đề cập, chúng ta vẫn có thể học được mà bản thân
hoàn toàn không nhận thức – nhưng chỉ tới một mức độ nào đó mà thôi.
Rõ ràng chúng ta có thể bị ảnh hưởng ngoài nhận thức, nhưng như những
chương trước đã nói, không có gì đặc biệt hay xấu xa hoặc gạt gẫm về điều
đó cả. Từ thực tế này đến việc tin vào sức mạnh điều khiển tâm trí con người
qua quảng cáo tiềm thức là cả một bước nhảy xa vời vợi. Đúng là chúng ta
có thể học ngoài nhận thức, nhưng không có nghĩa là quảng cáo đang thao
túng toàn thể tâm trí chúng ta. Con người có thể nhảy cao đến 2m – nhưng
biết bay lại là chuyện khác.
Những tuyên bố về việc học ngoài nhận thức có chứa tí ti sự thật. Những
tuyên bố về quảng cáo tiềm thức bị thổi phồng quá đáng đến mức chúng bóp
méo sự thật về học ngoài nhận thức. Quảng cáo thường gây ảnh hưởng mà
chúng ta không thể nào theo dõi quá trình ảnh hưởng. Chẳng nhất thiết phải
có những thông điệp tiềm thức trên TV hay màn ảnh rộng. Quá trình này
diễn ra tự nhiên. Đó chính là bản chất của truyền thông đòi hỏi ít suy nghĩ.