“Thảo dân cũng đã nghe dư luận xôn xao về một cuộc nổi loạn sắp xảy đến
của dân Đại Thực”, y nói, “nhưng thảo dân đã gạt bỏ chúng ngay lập tức vì
chúng chỉ toàn là những chuyện ngồi lê đôi mách vô căn cứ. Còn về Mãn
Tốc Nhi, thảo dân nghĩ mình biết hắn khá rõ đấy. Đó là một nam nhân kiêu
căng và dễ nổi nóng, nhưng thảo dân chắc chắn hắn sẽ không bao giờ dám
mộng tưởng tới chuyện can dự vào một việc làm bất trung bất nghĩa như
vậy.”
Địch Công ném cho y một cái liếc nhìn lạnh lùng.
“Bản quan thừa nhận là”, giọng ông cất lên đều đều, “cho đến giờ, ta không
có bằng chứng cụ thể nào chống lại Mãn Tốc Nhi. Nhưng vì hắn là thủ lĩnh
của cộng đồng Đại Thực, nên cá nhân hắn chịu trách nhiệm với chúng ta về
tất cả mọi việc xảy ra trong cộng đồng của mình. Giờ thì hắn sẽ có mọi cơ
hội để chứng minh bản thân vô tội. Tất nhiên, chúng ta cũng phải tính đến
khả năng rốt cuộc Mãn Tốc Nhi không phải là kẻ đầu sỏ giật dây mọi
chuyện, việc bắt giữ sắp tới không có nghĩa là những biện pháp phòng ngừa
trở nên không cần thiết. Ta yêu cầu Đô úy bây giờ hãy trình bày chúng một
cách rõ ràng.”
Khi Đô úy đã trình bày xong, bằng tác phong dứt khoát thường thấy của
mình, đầu lĩnh đội lính gác bến thuyền bổ sung một vài đề xuất liên quan
đến việc hạn chế hoạt động đi lại của những thuyền Đại Thực trong bến. Sau
khi mọi người đã thống nhất các đề xuất này, Địch Công ra lệnh cho Bảo
Thứ sử soạn thảo các văn bản ban bố những mệnh lệnh và cáo thị cần thiết.
Mất khá nhiều thời gian để hoàn thành tất cả và phê duyệt chúng, nhưng sau
một hồi lâu chờ đợi, cuối cùng Địch Công cũng có thể ký tên và đóng triện
lên giấy tờ. Ngay khi ông sắp sửa kết thúc buổi hội bàn thì Đô đốc lấy một
tập giấy ghi chép lớn từ ngực áo ra và đặt lên bàn. Ông ta hắng giọng ra vẻ
quan trọng, rồi nói:
“Hạ quan rất lấy làm tiếc rằng biến cố bất ngờ về bọn người Đại Thực này
đã làm mất nhiều thời gian quý báu của đại nhân. Do không hề quên mục