lần em thấy mạ le te cái nón chạy theo chị cả khi chị đi lấy chồng. Chị cả
lấy chồng bên La Vang Quảng Trị”. “Mạ thật tội nghiệp, cậu hỉ”.
Thử hỏi có cuộc chiến tranh nào dằng dặc gặm nhấm mảnh đất quá
chừng bão giông và nhiều tần tảo này. Mảnh đất mỏng manh đầy bóng giặc
như cái bánh đa rắc hạt mè đen dễ gãy dễ bẻ, như dáng hình của mạ ngàn
năm dướn căng thân mình gầy guộc ra đại dương, bền bỉ chở che cho con
cho cháu, cho gia đình được bình an yên ả truyền kiếp như thế này.
Nhưng làm sao mà yên ả được khi hình sông thế núi, con người non
nước này cứ như có một sự lựa chọn vô hình vô ảnh nào đó phải luôn luôn
đứng ở tuyến đầu chống chọi lại cái ác, cái phi nhân từ bốn phương tràn tới.
Pháp tràn vào làng bắt bớ trai tráng đi phu đi lính, bắn giết người vô tội
một cách man rợ, làm cho bao người quá đỗi đớn đau. Mà sức chịu đựng
của con người ở mảnh đất này cũng quá phi thường. Những lớp người như
cha như chú, như cậu đây quá đỗi đa đoan bật ra những phẫn uất, liều mạng
sống chống lại bọn bán nước, lũ cướp nước. Từ cái đa đoan không muốn có
nhưng lại vẫn phải có như một nghiệp chướng. Thăm thẳm chiều sâu, ngút
ngàn chiều dài, chịu đựng bền dai hơn nữa. Lặng lẽ như cỏ cây, như nắng
gió, như miền rơm rạ tro trấu vấn vương chung thủy, mùa lại mùa trên
những cánh đồng im ắng mênh mông.
Mạ tôi ngồi đó, mắt nhìn ra xa xăm, nói rất nhiều với cậu tôi. Mạ biết,
chỉ còn lúc này đây, rồi sẽ xa cách, biết có ngày gặp lại? Mạ tôi cười nhòe
trong nước mắt, chậm rãi nói với cậu: “Cô Giỏi, con ông được ở làng bên,
chị dò hỏi ướm cho em rồi. Nó ngoan lắm. Cậu tính sao?” Cậu Doản cười:
“Lần sau em về chị cho em buồng cau, cơi trầu chạm ngõ nhé”.
Cây cau nhà tôi năm nào cũng ra buồng, mạ tôi không bán, cứ để dành
cho cậu chạm ngõ. Hết vụ cau này đến vụ cau khác, hết buồng cau này đến
buồng cau khác, những trái cau già rụng xuống gốc đã mọc lên từng đám
cau non mà cậu tôi vẫn chưa về.
Nhiều đêm mạ tôi ra đứng dưới gốc cau, chắp tay vái: “Ba hồn bảy vía
chú Lĩnh ơi, cậu Doản ơi… các em ở đâu về với chị đi”.