cảm giác khô cứng của tư liệu. đây là một thử thách không dễ bề vượt qua
đối với bất kỳ cây bút nào muốn đối diện và tái tạo lịch sử, dù đó là lịch sử
gần hay xa.
Lại có người khi đọc Dương Thiên Lý - những tác phẩm trước Quảng
Ninh đất mạ anh hùng - thường nhận xét về giọng điệu hào sảng, đôi lúc
bồng bột có thể không hợp với đề tài lịch sử. Nhận xét ấy có thể đúng.
Nhưng đọc văn của bất kỳ ai, riêng tôi thường chú ý đến cái gọi là “tạng
văn” của người ấy - “tạng văn” do “tạng người” mà ra. Các cụ nói “văn là
người” quả là chí lý. Cái “căn” của Dương Thiên Lý là “thiên di”, cái “khí”
của chị là nhiệt huyết nên hay va đập. Cái “lộc” của chị là ăn về hậu vận.
Nói vậy cho vui vẻ một tí. đọc văn Dương Thiên Lý thấy câu chữ cứ chực
cựa quậy, xáo trộn, tung tẩy, đôi khi “mất trật tự”. Nhưng cuối cùng thì đâu
vào đấy, hàng ngũ chỉnh tề. Bề ngoài không có sự cân đối, nhịp nhàng,
thậm chí đôi lúc thiếu sự mềm mại, uyển chuyển. Tóm lại như ai đó nói quá
đi là thiếu “âm tính”. Không sai. Nhưng chưa thấu tình đạt lí. Nếu gần gũi
sẽ thấy ngòi bút này đôi khi cố dùng cái ồn ào để che giấu một nỗi buồn
mênh mang. Tôi nghĩ đó là một nỗi buồn đẹp. Một nỗi buồn đẹp thì nên cổ
súy. Quý vị cứ mở trang sách đọc mà xem!
Xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả gần xa tiểu thuyết mới của tác
giả Dương Thiên Lý: Quảng Ninh đất mạ anh hùng./.
BÙI VIỆT THẮNG