Quân địch đã rút chạy từ lúc nào, công sự hầm hào bỏ trống cả. Qua
mỗi cửa hầm chúng tôi đều tọng một quả lựu đạn vào, thằng nào bị thương
mà nằm dưới đó thì chắc chết. Thấy có vài cái xác mặc quần áo rằn ri nằm
dưới hào. Nhưng một cái xác nằm trên doi cát mới làm tôi chú ý. Đó là một
cái xác không đầu đã hơi trương, mặc quân phục vải Tô Châu đeo thắt lưng
đỏ, một tay bị cụt còn quấn băng trắng. Chắc chắn đó là xác lính mình. Bọn
chó đẻ, không có lẽ chúng nó chặt đầu tù binh?
Lúc này hai cánh quân C9 và C11 đã hợp lại với nhau, cùng chạy trên
doi cát truy kích địch. Hết doi cát, một quãng đồng nước trống trải mở ra,
và bờ bên kia là Cao điểm Tám Cát sừng sững đứng chắn. Từ cao điểm
này, quân địch tổ chức phòng ngự chống lại cuộc xung phong của chúng
tôi. Tiếng “cạch oành” của cối cá nhân liên tiếp vọng đến, chen lẫn từng
loạt M16 cực nhanh “chíu chíu” bắn vào các chiến sĩ ta đang ngoi ngóp
dưới đồng nước lầy. Một vài người trúng đạn, giãy đành đạch. Thấy tất cả
quay lui, tôi cũng chạy trở lại doi cát.
Chúng tôi nằm trong một đoạn hào do địch đào từ trước bên sườn doi
cát. Cạnh tôi là Quang “xỉu” và hai cậu lính C9 người Thanh Hóa. Cả bọn
chăm chú quan sát mấy bóng người đang băng đồng chạy về phía chúng
tôi, bùn đất lấm lem, cái băng trắng ở tay cũng không thấy, không hiểu là ta
hay địch. Hai cậu C9 giương súng lên định bắn, tôi gạt đi, bảo để họ đến
gần thêm đã. Hơn nữa, đạn địch vẫn bắn không ngừng, và nhiều quả cối cá
nhân nổ trùm lên đám người đó. Tôi tưởng họ chết cả, nhưng không, họ lại
nhoi lên và chạy tiếp.
Đang nghển đầu lên quan sát, chợt tôi cảm thấy có một ngọn roi sắt
quất vào tai trái, gió rít vù qua, nửa mặt bên trái tê dại. Tôi ôm vội tai, chúi
người xuống hào và nói: “Quang ơi, tao bị cụt tai rồi...”. Nhưng khi Quang
bảo bỏ tay ra để băng, thì không phải bị thương vào tai, mà viên đạn sượt
qua cổ, hớt đi 1 tý da, làm chảy máu. Hơi gió quá mạnh làm tôi có cảm giác