đãng nhìn chùm hoa phong lan đuôi sóc màu vàng nhạt bám lủng lẳng trên
một thân cây. Chợt nhớ bi-đông mình rỗng không, tôi vội chạy đi lấy nước.
Hỏi đường mấy cậu cầm bi-đông đi ngược lại, tôi chạy sâu vào rừng. Tới
một hồ nước nhỏ, xung quanh là vách đá, dây leo um tùm, tôi thận trọng
trèo xuống. Một tấm ván áo quan sơn đỏ đã phai dùng làm cầu, cạnh cầu có
lạch nước tuôn vào hồ làm nước hồ sủi lên ùng ục. Xung quang tĩnh mịch
quá khiến tôi rờn rợn: nếu bất chợt một mõm cá sấu nổi lên giữa hồ thì sao?
Tôi vục bi-đông thật nhanh rồi vội vã bám dây leo ngược lên, chạy biến về
đơn vị.
Đoàn quân lên đường. Đi dưới tán lá của rừng già Trường Sơn, chúng
tôi rất yên tâm mặc dù máy bay Mỹ đang quần đảo trên đầu. Khi nghỉ giải
lao, cả bọn ngồi dạt vào các lùm cây ven đường cho các C sau vượt lên.
Ngồi nhìn từng khuôn mặt lướt qua để tìm người quen. Ba-lô, xanh-tuya,
súng đạn, thùng đạn lỉnh kỉnh diễu qua. Một cậu dáng thư sinh đi tới. Đôi
mắt cậu ấy đẹp quá, như mắt con gái, lông mi dài cong, lòng trắng trắng
xanh. Tôi nhớ ra cậu này là bạn của Duy Minh, tiếc là Duy Minh không có
ở đây. Gặp cậu Bình, trước học cùng Trường Đoàn Hoàng Văn Thụ, tay
xiết chặt tay, ai ngờ lại gặp nhau ở rừng Trường Sơn này. Chúng tôi lên ba-
lô đi tiếp. Máy bay Mỹ vẫn quần đảo trên đầu, tôi vừa đi vừa theo dõi
chúng. Lính đại đội trước đã dạt vào vệ đường nghỉ, các cậu ấy vừa cười
nói vừa ngắm chúng tôi diễu qua. Cảnh như vậy cứ lặp đi lặp lại mãi. Hình
như bọn Mỹ đánh phá ở hướng chúng tôi đang đi tới, tiếng bom ình ình,
máy bay gào rú trên đầu. Qua vòm lá rừng già tôi thấy một tốp 4 chiếc F4
chui vào mây. Tiếng rít váng óc lao qua cùng với một chiếc F4 bay rất thấp,
để lại dải khói đen dài. Tới một chỗ nghỉ khác, cả bọn ngồi ngắm mấy chú
sóc đang chuyền cành. Chúng nhỏ bé, màu đen hoặc vàng bẩn, không đẹp
như trong sách và phim ảnh thường thấy. Hành quân bộ tốn nước thật, tôi
phải uống hết sức dè sẻn. Từ sáng đến giờ thấy toàn lên dốc, hết cái dốc
này đến cái khác, chắc đang đi lên đỉnh một quả núi nào đấy. Ở một vài chỗ
nghỉ, tôi nói chuyện với anh Ngạn B3, trước là giáo viên cấp II (anh Ngạn
về sau hy sinh khi vượt sông Thạch hãn tháng 11.1972). Đội hình trở nên