độp trên mái tăng mà lòng nhớ nhà da diết. Không biết mình có bao giờ còn
được trở về nhìn thấy ngôi nhà bé nhỏ ấm cúng, thấy cái nhà Quàn, thấy
phong cảnh Hà nội từ trên gác thượng nhà Tiến Dũng nữa không?. Rồi biết
bao hình ảnh cũ lại diễu qua: bạn bè, nhà trường, phố phường… Nhớ nhung
đến đau xót, nhiều lúc tưởng không chịu được. Đây chính là lúc đấu tranh
tư tưởng căng nhất: Đảo ngũ hay không Đảo ngũ?. Trời ơi, mệt quá, nặng
nhọc từng hơi thở, mặc dù người cảm thấy nhẹ tênh, môi khô, miệng đắng.
Ở nhà mà hơi mệt một tý thì phải biết, hết mẹ đến bà, nhất là bà, lo cuống
lên, nào xông hơi nào cháo hành nào thuốc cảm… Ở đây thì nằm cô đơn co
quắp trong 1 xó rừng, chết cũng chẳng ai hay. Nhưng chẳng lẽ vì vậy mà
đảo ngũ? Dù sao suốt 10 năm trời tôi đã luôn là học sinh tiên tiến, từng viết
những bài văn rất hay với những câu kết hùng hồn, mà tôi thì không quen
nói một đằng làm một nẻo. Tôi nhớ đến Bác và những lời hứa trong ngày
Quốc tang, nhớ đến danh dự của Gia đình, của bố mẹ… Không, chết thì
thôi chứ không chịu làm điều nhục nhã, phải làm 1 người chân chính, có
nghị lực như Pavel Corsaghin. Và đâu phải chỉ có mình tôi trải qua cảnh
ngộ này. Bao năm nay, hàng triệu người đã từng nằm võng trong đêm tối
âm u của núi rừng, cũng đã chịu những dằn vặt âm thầm ghê gớm. Nhưng
họ đã đứng vững, để rồi sáng hôm sau những tin chiến thắng vẫn dồn dập
gửi về… Không, tôi nhất định không chịu thua kém họ. Càng nghĩ càng
thấm thía câu nói đơn giản: “Dân tộc ta là 1 dân tộc anh hùng”. Đúng là 1
dân tộc anh hùng, vì đã có hàng triệu người con anh hùng, mà chỉ cần họ
chiến thắng họ trong một đêm như đêm nay cũng đã đủ xứng đáng với danh
hiệu đó. Tôi cứ nằm như vậy, mắt mở trừng trừng nhìn vào đêm tối và
người mệt mỏi rã rời.
Khoảng 4 giờ sáng có lệnh chuẩn bị, tất cả tất bật cuốn tăng võng xếp
vào ba-lô. Người mệt bã, thở phào phào như hết hơi, tôi lo lắng nhấc thử
cái ba-lô nặng trịch, rồi mở ví lấy một mảnh sâm cho vào miệng. Trong
bóng đêm, chúng tôi lên đường, người nọ bám vào ba-lô người kia. Thỉnh
thoảng lại vấp vào rễ cây đau điếng. Quái, sao mà đi nhanh như ăn cướp thế
này? Vượt qua một cái lạch nhỏ, lách mấy hòn đá, lính ta đi vội vã, thở hổn