nào cũng bị ướt 1 phần. Chúng tôi ngồi ăn, nước mưa ròng ròng trên vai,
trên cổ. Mặc, vẫn xúc cơm chén lu bù. Lúc đó tôi đã nghĩ nếu sau này còn
sống thì phải tả lại bữa cơm hôm nay mới được. Ăn xong, mỗi đứa xúc
thêm một ca để dành.
Tôi đã kiếm được một chỗ mắc võng khá tốt, thì Quý A trưởng A5 đến
nói đây là khu vực của A5. Lúc này anh Bính đang chia khu vực cho các A,
Quý hét to với anh: A5 ở đây phải không? Anh Bính chưa biết thế nào cứ
gật bừa. Tôi không muốn cãi cọ bèn dọn đi, nhưng trong bụng rất tức, nhất
là tức Quý, và ghét cả ông Bính nữa. Lâm Thành mắc cạnh đó dứt khoát
không đi. Tăng Lâm Thành mắc lụp xụp không tưởng được, nhăn nhúm,
võng thì gần trệt mặt đất, tăng thì như đắp lên võng, thế mà hắn ngủ được.
Tôi đã giục hắn buộc lại, nhưng hắn lười, không nghe.
Tôi tìm được hai cây để mắc võng khá đẹp, nhưng xung quanh là bụi
rậm, bèn rút dao găm chặt lia lịa. Phần lớn là bụi cây lá nón, giống như
những tàu cọ cắm xuống đất, nên việc phát quang cũng nhanh. Làm cả cọc
phụ đàng hoàng, nhưng khi nằm thử thì dây bị đứt, phải buộc lại. Cuối cùng
cũng được chỗ nằm thoáng đãng, thoải mái. Gần võng tôi là võng Châm
“thối tai” và Hùng “Di-gan” của A5. Hai chân lấm bùn nên trước khi lên
võng bọn tôi phải lấy khăn mặt ra lau, buồn cười thật.
Ở triền đồi bên kia con khe là B1. Có tiếng í óe về gạo củi, tiếng Huy
Ninh A trưởng A3 đang phân công gì đó. Đi theo con khe vào sâu hơn 1 tý
hình như là C50.
Trời vẫn mưa. Có chỗ mái tăng trũng, nước đọng nhiều, từ từ đè mái
tăng nghiêng đi, trút ào 1 cái xuống đất. Tôi nằm trong võng, nhìn cảnh ấy
lặp đi lặp lại nhiều lần. Mỗi khi ngớt mưa, lại phải điều chỉnh mái tăng: để
doãng quá thì hay bị tạt bụi nước vào mặt, nhưng thoáng đãng; để cụp quá
thì không bị hắt nhưng bí hơi. Nhìn nước giọt xuống quanh mái tăng, sao
mà nhớ nhà thế.