Hôm sau trời nắng. Có lệnh sang tập trung bên quả đồi B1 nghe nói
chuyện. Một cán bộ chính trị của mặt trận B5 đăng đàn. Anh cán bộ này
người Quảng Trị, trạc ngoài 40, thấp béo, sau hông đeo khẩu K54, và một
túi mìn Claymore đựng tài liệu. Anh ta nói hào hứng, sôi nổi, khích lệ tinh
thần chiến đấu của chúng tôi. Nghe xong ai nấy đều thấy hừng hực, muốn
lao ngay vào mặt trận.
Vừa về đến khu vực của trung đội thì được lệnh chuyển chỗ ở. Chán
gớm, thế là phải bỏ chỗ nằm tôi đã tốn nhiều công sức mới có. Chúng tôi
cuốn đồ đạc, đi ngược lại đường hôm nọ theo con khe khoảng 200m rồi leo
lên một sườn đồi hạ trại.
Võng của tôi, Duy Minh, Lâm Thành mắc liền nhau thành một vệt ven
khe nước. Bên dưới gần khe hơn là đường đi, bếp và võng của anh Đạm B
phó. Mưa liên tục, chúng tôi phải tốn nhiều sức để làm một cái bếp kiên cố,
tất cả ni-lông bếp của các tiểu đội đều được huy động.
Sáng hôm sau chúng tôi xuống khe đánh răng rửa mặt, nước chảy khá
xiết. Sau đó tôi và mấy cậu nữa theo anh Đạm đi lấy gạo. Chí Thành đi bên
tôi phàn nàn về tệ phân công không hợp lý của A5. Đi ven khe, vượt một
cái cầu nhỏ, lên dốc, chúng tôi chợt thấy những chiếc lán của một bệnh
viện dã chiến. Các thương bệnh binh đang ngồi ăn quanh những chiếc bàn
ghép bằng cây sậy ở ngoài sân. Họ ăn khá sang, có cá khô và bột trứng. Lại
xuống dốc, lội khe một quãng dài. Đi qua một túp nhà gianh, tôi tò mò nhìn
những cuộn dây điện to nhỏ, đủ loại đồng nhôm, dây cáp, dây trần. Hình
như đây là trạm bảo dưỡng đường dây. Những hàng cột điện thẳng tắp chạy
ven đồi, ven suối, từ đồi này sang đồi khác, hoặc ở lưng chừng núi, với
những ống sứ trắng như những bông hoa, khiến ta phải khâm phục công
sức của những chiến sĩ đường dây. Chúng tôi sắp ra khỏi rừng thì máy bay
Mỹ đến quần đảo trên đầu ầm ĩ. Đành phải ngồi chờ vậy, bây giờ mà đi ra
nơi trống trải thì nguy hiểm lắm. Tôi và Chí Thành ngồi dưới một gốc cây,
vừa ăn cơm nắm vừa nói chuyện. Chỗ này rừng toàn cây to, chúng tôi có