Hôm sau nghe nói có một kho gạo ở chếch về phía Nam, tôi, Duy
Minh và Chính “con” bèn lên đường tìm kiếm. Đi mấy tiếng đồng hồ mà
chỉ thấy trảng cỏ mênh mông, loại cỏ rất lạ, không phải cỏ tranh, cao ngang
thắt lưng, có bông như bông lúa lép. Thấy một đoàn thương binh đi ngược
ra, người băng đầu, người băng ngực băng tay, quần áo nhem nhuốc còn
dính máu khô. Mặt mũi ai cũng thiểu não, xanh xám. Một anh thở khò khè,
dừng lại xin tôi miếng nước. Giọng đầy bất mãn, anh nói anh bị thương
thấu phổi mà vẫn phải lê lết tự đi thế này. Xẩm tối thì ba đứa tôi tới bờ suối,
gần đó có một túp lều lụp xụp. Trong lều chúng tôi tìm được hai bao gạo,
mỗi bao khoảng 50kg, bên ngoài bọc bao tải có in chữ Tàu, bên trong bọc
hai lần ni-lông nữa. Chúng tôi đổ mỗi đứa một ba-lô gạo đầy, còn lại đổ ra
đất để lấy bao ni-lông đem đi. Lính ta rất thích những bao ni-lông này vì
chúng dày dặn, làm bao bơi để vượt sông rất tốt.
Trên đường về trời tối như mực, chúng tôi bị lạc, lại mưa như trút
nước. Ba đứa đành chui vào bao gạo, phủ thêm áo mưa lên người, nằm giữa
đồng cỏ định ngủ qua đêm. Nhưng mưa vẫn rơi nặng hạt, lại bị ngộp thở
trong bao ni-lông, chúng tôi đành bò dậy, đi tới gần sáng mới tìm được đơn
vị.
Trong thời gian này rất nhiều người đảo ngũ. Cứ mỗi buổi sáng dậy lại
thấy trống vài chỗ mắc võng. Họ âm thầm tích trữ gạo muối, bí mật rủ nhau
từng nhóm nhỏ biến mất trong đêm. Tiểu đội tôi có 10 người, thì 5 người
đảo ngũ là Thành “ma tịt”, Phái “con”, Đường “cóc”, Tỵ, Đệ, tỷ lệ 50%
(1)!. Những tiểu đội, trung đội khác tình trạng cũng tương tự. Sau này có
lần gặp lại họ ở Hà Nội, tôi làm lơ không chào hỏi. Tới tận bây giờ tôi vẫn
không thể tha thứ cho những người phản bội như họ.
Rồi cuối cùng chúng tôi cũng được đơn vị mới tới tiếp nhận. Đó là
Trung đoàn 48 mật danh “Quang Sơn”, sau đổi thành “Thạch Hãn”, thuộc
Sư đoàn 320B, đang chiến đấu trong Thành cổ Quảng Trị (2).
---------------