dấy lên niềm hy vọng rằng các nền dân chủ mới sẽ bén rễ ở Trung Đông.
Những kỳ vọng ấy đã tiêu tan bởi sự trở lại của chế độ độc tài ở Ai Cập và
sự bùng nổ nội chiến từ Libya tới Syria. Đến 2011, cuộc nổi dậy đã lan rộng
sang các quốc gia mới nổi lớn hơn. Những cuộc biểu tình này được thúc đẩy
bởi sự bất bình về kinh tế kết hợp với sự trì trệ toàn cầu: bởi lạm phát tại Ấn
Độ, nạn chính trị thân hữu ở Nga, mức lương và điều kiện làm việc ở Nam
Phi. Tình trạng bất ổn này lên đến đỉnh điểm vào mùa hè 2013, khi hàng
triệu người tham gia các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố khắp các nền kinh
tế ngôi sao đang lu mờ – Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ.
Kịch tác gia người Mỹ Arthur Miller từng nhận xét rằng một thời đại đi
đến điểm cáo chung “khi những ảo tưởng cốt lõi của nó cạn kiệt”.
Ngày
nay các ảo tưởng về việc khuếch trương sự thịnh vượng vốn đã định hình
thời kỳ Tiền khủng hoảng rốt cục đã tắt lịm. Ảo tưởng tan biến cuối cùng
chính là niềm tin rằng cuộc bùng nổ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ kéo dài
vô tận, vực dậy các quốc gia từ Nga đến Brazil, từ Venezuela đến Nigeria,
vốn lâu nay vươn lên chủ yếu nhờ xuất khẩu hàng nguyên liệu cho Trung
Quốc. Nhu cầu không ngừng gia tăng của Trung Quốc ngỡ sẽ làm nên một
“siêu chu kỳ” khiến giá hàng nguyên liệu gia tăng và sự thịnh vượng cứ nảy
nở từ Moscow tới Lagos. Đến 2011, cốt truyện này bắt đầu trở nên đáng
ngờ, khi giá đồng và thép bắt đầu giảm. Ảo tưởng đã hoàn toàn sụp đổ vào
cuối năm 2014, khi giá dầu giảm hơn một nửa chỉ trong vòng mấy tháng.
Không gì minh họa sự vô thường của các xu hướng toàn cầu sắc nét
bằng số phận của các quốc gia mới nổi được bàn tán rầm rộ nhất vào những
năm 2000, Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Giới tiếp thị đã gom các
nước này thành cụm từ viết tắt BRIC, để diễn tả ý niệm rằng bốn đại cường
này sắp sửa thống trị nền kinh tế toàn cầu. Ngày nay, cụm từ này thường
đồng nghĩa với tính từ chỉ suy vong hoặc sụp đổ, bị nhạo thành “ý niệm đầu
tư hết sức lố bịch – bloody ridiculous investment concept”, hoặc đảo thành
một từ viết tắt mới CRaB
để diễn tả vị thế bẽ bàng của Trung Quốc, Nga và
Brazil hiện tại. Trong thời Hậu khủng hoảng, tỷ lệ tăng trưởng GDP hằng
năm của Trung Quốc đã giảm từ 14% xuống dưới 5% theo ước tính riêng,