nước đã giảm khi so sánh với thu nhập bình quân của Mỹ. Ở Syria, thu nhập
bình quân vẫn kẹt ở tỷ lệ 9% so với mức bình quân của Mỹ, đúng bằng thời
điểm nước này bắt đầu sản xuất dầu vào 1968 và thu nhập của họ hiện đang
suy sụp theo đà bùng nổ của nội chiến. Ba quốc gia khác – Ecuador,
Colombia và Tunisia – có mức gia tăng tương đối chỉ ở biên độ hạn hẹp. Nói
tóm lại, thu nhập bình quân đã chững lại hoặc giảm với 90% các nước giàu
dầu mỏ này. Việc phát hiện ra dầu mỏ đã kìm hãm sự phát triển, đó là lý do
tại sao nó đâm ra bị coi như một lời nguyền.
Lời nguyền này phát tác ở chỗ việc sản xuất dầu làm dấy lên cuộc tranh
đoạt trong giới thượng tầng để giành phần lợi nhuận thay vì đầu tư xây dựng
đường sá, nhà máy điện và nhà xưởng. Ở các nước xuất khẩu dầu mỏ, giới
lãnh đạo ngày càng trở nên ít phụ thuộc vào nguồn thu từ người nộp thuế,
nên có khuynh hướng ít chịu lắng nghe cử tri; thay vào đó, họ dẹp sự bất
bình của dân chúng bằng cách chi một phần doanh thu từ dầu mỏ để trợ cấp
khí đốt, thực phẩm giá rẻ và các khoản trợ cấp phi sản xuất khác. Trong khi
đó các ngành khác chịu thiệt. Người nước ngoài bơm tiền vào để mua dầu,
khiến nội tệ tăng giá, dẫn đến tình trạng khó khăn cho các nhà máy bản địa –
số ít các đơn vị nào vẫn còn tồn tại – trong việc xuất khẩu hàng hóa. Vận
may từ dầu có xu hướng làm xói mòn mọi ngành công nghiệp bản địa ngoài
ngành dầu mỏ.
Đây là “căn bệnh Hà Lan” kinh điển, một thuật ngữ được gợi từ sự sụp
đổ nền sản xuất tại Hà Lan sau khi nước này phát hiện ra dầu ở Biển Bắc
vào 1959. Mặc dù thuật ngữ này có xuất xứ từ thế giới phát triển, hiện tượng
này gây tác động nghiêm trọng nhất ở các nước nghèo. Trong thập kỷ qua,
căn bệnh này đã diễn ra ở Brazil, Nga, Nam Phi và nhiều nơi khác ở châu
Phi. Trong đại đa số trường hợp, chỉ các nước khá giàu có (và đa dạng hóa
tốt) trước khi phát hiện ra nguồn của cải tài nguyên này, như Na Uy và
Canada, mới đầu tư lợi nhuận từ hàng nguyên liệu một cách khôn ngoan đủ
để tránh cho đà phát triển trong nước bị khựng lại bởi sự trồi sụt của giá cả
hàng nguyên liệu.