phẫn nộ của dân chúng. Vào tháng 12-2013, tôi tháp tùng một nhóm bạn
trong báo giới Ấn Độ đi theo dõi chiến dịch tranh cử tại các bang Madhya
Pradesh và Rajasthan của Ấn Độ. Ở các bang đa sắc thái này của Ấn Độ,
không dễ tìm được hai người có chung ý kiến, nhưng lần này, chúng tôi ngạc
nhiên khi nghe những điệp khúc tương tự ở khắp mọi nơi. Từ vùng Bhind
cằn cỗi ở miền Bắc bang Madhya Pradesh đến các phiên chợ đầy màu sắc
của vùng Pushkar ở trung bộ Rajasthan, anh thợ cắt tóc trong vùng, người
thợ mộc địa phương lẫn nhà nông đều nói thao thao bất tuyệt một cách giận
dữ và chính xác đến từng rupee về mức tăng giá khoai tây, bơ ghee, và,
vâng, củ hành trong vòng năm năm đã qua. Đề tài lạm phát lấn át các vấn đề
bức xúc khác, như tham nhũng và thất nghiệp. Trong các bài phát biểu, giới
chính trị gia từ các đảng đối lập đã châm biếm rằng có một thời người ta
mang một nhúm tiền ra chợ để mua về một giỏ đồ, nhưng giờ đây phải có
một giỏ tiền để mua một nhúm đồ. Đảng Quốc đại cầm quyền không chỉ
thua các cuộc bầu cử bang mà còn gánh chịu một thất bại long trời lở đất sáu
tháng sau đó trong cuộc bầu cử toàn quốc. Các cuộc thăm dò cho thấy lạm
phát đã đóng một vai trò hệ trọng trong sự suy sụp của đảng này.
Khi Basu, hiện là kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới, đấu khẩu
với tôi trên truyền hình hồi 2011, ông đã dẫn ra các nguy cơ ngược lại. Ông
quan ngại chủ yếu về sự giằng co quá quyết liệt trong cuộc chiến chống lạm
phát giá tiêu dùng, bởi vì điều đó sẽ đòi hỏi kiềm chế chi tiêu công và thắt
chặt tiền nong hơn, mà nếu làm thái quá sẽ dẫn đến đóng cửa các nhà máy
và mất việc làm. Đáp lại ý tôi rằng những cuộc bùng nổ tăng trưởng lâu dài
và lành mạnh luôn đi kèm với lạm phát thấp, ông đã phản bác bằng trường
hợp Trung Quốc vào những năm cuối 1970, khi sự bùng nổ tăng trưởng dài
hạn của nước này đang ở giai đoạn trứng nước và lạm phát nằm ở mức
khoảng 25%, và Hàn Quốc vào cuối thập niên 1960 và 1970, khi lạm phát và
tăng trưởng đều tăng cao. Để kiểm tra lại linh cảm của tôi rằng luận điểm
này diễn giải sai mối liên hệ giữa lạm phát và tăng trưởng cao, tôi tìm lại số
liệu quá khứ để khảo sát.
Căn bệnh ung thư giết chết tăng trưởng