khuyến khích thói quen tiết kiệm, vì nó làm xói mòn giá trị của tiền cất trong
ngân hàng hay trái phiếu, dẫn đến làm giảm quy mô của lượng tiền có thể
đầu tư. Cuối cùng, lạm phát cao sẽ buộc ngân hàng trung ương phải hành
động bằng cách tăng giá đồng tiền thông qua lãi suất cao hơn, vốn sẽ khiến
việc tăng trưởng của các doanh nghiệp và việc người tiêu dùng mua nhà và
xe ô-tô tốn kém hơn; và kết quả là sự bùng nổ tăng trưởng sẽ chững lại. Khi
ở mức rất cao – chẳng hạn, hai chữ số – lạm phát có xu hướng biến động,
giảm đột ngột hoặc tăng tốc thành lạm phát phi mã, tạo thêm rào cản mới
đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Trong một môi trường mà giá cả dễ
dao động mạnh, các doanh nghiệp sẽ khó tìm được nguồn tài chính cho các
dự án và cũng không thể tự tin về cơ may sinh lợi từ khoản đầu tư. Nếu các
doanh nghiệp sợ tạo dựng mạng lưới cung ứng mới hoặc cải thiện những
mạng lưới cũ, các mạng lưới này sẽ tiếp tục không đáp ứng được nhu cầu,
tiếp tục khiến giá cả gia tăng. Nền kinh tế khi ấy sẽ trở nên dễ bị lạm phát
mãi.
Trường hợp kinh điển về một nền kinh tế dễ bị lạm phát là Brazil, nơi
đầu tư đã đình trệ trong nhiều thập kỷ ở mức khoảng 20% GDP, một mức rất
thấp so với ngưỡng tối ưu (25% đến 35%) đối với một nước mới nổi. Chính
phủ đã liên tục đầu tư quá ít vào mọi thứ từ đường sá, trường học cho đến
sân bay. Mỗi khi hoạt động kinh tế bắt đầu tăng tốc, các công ty liền gặp
ngay tình trạng thắt cổ chai về cung ứng. Họ bắt đầu cạnh tranh để giành
quyền truy cập vào nguồn cung hạn chế trong giao thông, thông tin và các
dịch vụ khác, và để đảm bảo nguồn cung hạn chế về gỗ dán, xi măng và các
vật liệu cung ứng khác. Các chủ khách sạn phải cạnh tranh thậm chí để
giành nhân viên tạp vụ lành nghề. Do cung không đáp ứng cầu, giá cả và
tiền lương bắt đầu tăng lên ngay giai đoạn đầu trong chu kỳ kinh tế. Do
người Brazil đã quen với mô thức này, họ quen kỳ vọng giá cả tăng mạnh
trong giai đoạn phục hồi, và công nhân trở nên nhanh nhạy trong việc đòi
tăng lương.
Đây là sự đối nghịch với khi một nền kinh tế trải qua một giai đoạn
tăng trưởng cao lâu dài. Mười ba nền kinh tế thần kỳ thời hậu chiến nổi
tiếng nhất đều đầu tư điển hình ở mức tương đương 30% GDP mỗi năm