hào phóng. Có lúc vào đầu thập niên 1990, một ứng cử viên còn phù phiếm
hứa rằng các gia đình Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có “hai chìa khóa cho mỗi hộ” – một
chìa khóa nhà và một chìa khóa ô-tô.
Để cổ động cho cảm giác an bình ở một quốc gia nằm ở tiền tuyến của
cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Nga, và đang sa vào cuộc tranh chấp
quyết liệt với Hy Lạp để giành quyền kiểm soát đảo Síp, những nhân vật dân
túy này đã tăng chi tiêu quân sự lên hơn 5% GDP vào 1975. Thổ Nhĩ Kỳ là
quốc gia nghèo nhất trong khối NATO nhưng là một trong những nước chi
tiêu quân sự lớn nhất. Giới lãnh đạo cũng dấn vào một loạt các dự án xây
dựng mang tính phô trương nhiều hơn lợi ích, gồm cả dự án Anatolia Đông
Nam, một mạng lưới kênh và đập đã khởi công vào những năm 1970 và vẫn
chưa hoàn thành mặc dù đến nay đã chi khoảng 30 tỷ đô-la.
Đây không phải là các khoản đầu tư hiệu quả để giúp một quốc gia tăng
trưởng với lạm phát thấp, và nhiều chính trị gia sẽ phải trả giá ở các hòm
phiếu. Đến những năm 1990, cứ trung bình mỗi chín tháng Thổ Nhĩ Kỳ lại
có một chính phủ mới. Sự bất ổn của các chính phủ lung lay này lại tiếp tục
là tác nhân lớn khiến nền kinh tế dễ bị lạm phát. Mặc dù công đoàn đã suy
yếu dần trong thập niên 1980 và 1990, tiền lương gia tăng nhanh chóng, do
mỗi chính phủ mới lại hứa hẹn không chỉ có thêm việc làm trong chính phủ
mà còn tăng lương truy hồi cho những người theo đuổi công việc trong
chính phủ.
Để trang trải chi tiêu chính phủ cho lương bổng tốn kém, các dự án
hoành tráng và súng đạn, nhà nước đã trông vào ngân hàng và công ty quốc
doanh. Ngân hàng trung ương của Thổ Nhĩ Kỳ đã in thêm tiền cho chính
phủ vay, để chính phủ lại chỉ thị các ngân hàng nhà nước cho vay với các
công ty nhà nước cồng kềnh, để rồi họ lại đẩy giá lên (dĩ nhiên, không phải
trong các mùa bầu cử) để tăng doanh thu nhằm trang trải nợ nần ngày càng
cao của chính phủ. Gánh nặng tiền vay của chính phủ và lạm phát cao khiến
các công ty tư nhân khó được cấp vốn dài hạn – mặc dù nhiều tập đoàn tư
nhân cũng có ngân hàng riêng.