1930, quả là bình thường khi hơn một nửa trong tất cả các nước trong mẫu
dữ liệu này gặp phải tình trạng giảm phát vào một năm bất kỳ. Sau 1930 vẫn
là hiếm thậm chí để một phần mười số quốc gia gặp phải tình trạng giảm
phát. Và trong thời hậu chiến, chỉ hai nền kinh tế trải qua thời kỳ giảm phát
dài – được định nghĩa là kéo dài ít nhất ba năm. Đó là trường hợp ít được
biết đến của Hong Kong – giảm phát trong bảy năm, từ 1998 đến 2005 – và
trường hợp nổi tiếng của Nhật Bản.
Chính trường hợp Nhật Bản đã khiến cho giảm phát bị gán tiếng xấu.
Kinh nghiệm của Nhật Bản giúp lý giải tại sao cả thế giới lại sợ hãi đến vậy
khi giảm phát chực lộ diện sau cuộc khủng hoảng 2008. Thế giới dường như
phải đối mặt với một loạt nguy cơ giảm phát tương tự như những gì đã gây
hại cho Nhật Bản, gồm nợ nần nặng nề, vốn làm suy yếu nhu cầu của người
tiêu dùng, và nguồn cung dư thừa. Đến 2015, khi tỷ lệ lạm phát giảm xuống
mức trung bình gần bằng không ở các nước phát triển, người ta sợ rằng
nhiều nơi trên thế giới có thể rơi vào vòng xoáy giảm phát kinh điển đã siết
lấy Nhật Bản sau khi bong bóng vỡ vào 1990.
Khi giảm phát diễn ra, giá cả không tăng chậm lại, mà thực sự giảm.
Người tiêu dùng bắt đầu trì hoãn mua sắm, chờ giá của chiếc máy truyền
hình hoặc điện thoại di động mà họ mong muốn trở nên rẻ hơn. Khi nhu cầu
của người tiêu dùng đình trệ, tăng trưởng sẽ chậm lại, càng làm tăng áp lực
giảm giá. Như các nền kinh tế thần kỳ châu Á khác, kể cả Hàn Quốc, Nhật
Bản đã đầu tư thái quá ở đỉnh cao của cuộc bùng nổ tăng trưởng vào những
năm 1980, tạo ra nguồn cung thái quá về mọi thứ – nhà máy, văn phòng, căn
hộ – có tác động khống chế sự tăng giá khi tăng trưởng chậm lại. Nhưng
trong các phép mầu hậu chiến, chỉ mỗi Nhật Bản rơi vào một thời kỳ dài
hoàn toàn giảm phát: giá tiêu dùng giảm đều đặn trong hơn hai thập kỷ sau
khi cuộc bùng nổ tăng trưởng kết thúc vào 1990, và tăng trưởng kinh tế chỉ
đạt mức phập phù 1% trong thời kỳ này.
Vòng xoáy giảm phát tệ hại có thể rất khó chặn. Khi giá cả giảm, dân
chúng kỳ vọng giá giảm thêm nữa, và cách duy nhất để chính quyền làm cho
người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu trở lại và chặn đà giảm phát là ngân hàng