trung ương bằng cách nào đó phải rót đủ tiền vào nền kinh tế để thuyết phục
công chúng rằng giá cả và thị trường sẽ tăng trở lại. Đó là điều mà ngân
hàng trung ương Nhật Bản đã chật vật thực hiện suốt nhiều năm trong cuộc
chiến chống giảm phát.
Một lý do nữa khiến khó ngăn chặn tình trạng giảm phát tệ hại là hiệu
ứng mà giá tụt dốc gây ra cho con nợ. Khi giá giảm, mỗi đồng đô-la hoặc
yen hoặc nhân dân tệ sẽ có giá trị hơn, nhưng tổng trị giá mà con nợ đang nợ
vẫn như cũ. Hậu quả éo le là con nợ khốn khó bị buộc phải trả nợ vay bằng
một đồng tiền ngày càng có giá trị cao hơn. Như nhà kinh tế học người Mỹ
Irving Fisher đã nói ở đỉnh điểm của cuộc Đại suy thoái, “Con nợ càng trả
nhiều thì càng nợ nhiều”.
Vòng xoáy giảm phát nổ ra rất lâu về sau tại Nhật
Bản và Hong Kong đều được dung dưỡng bởi các đồng tiền mạnh và gánh
nặng nợ gia tăng.
Tuy nhiên, chớ vội quá lo lắng về những bài học của Nhật Bản, bởi vì
không phải tất cả chu kỳ giảm phát đều diễn ra theo kịch bản này. Cũng có
nhiều trường hợp giảm phát hữu ích. Trong Làn sóng lớn (The Great Wave),
nhà sử học David Hackett Fischer thuộc Đại học Brandeis đã dò tìm số liệu
về Mỹ và nhiều nước châu Âu ngược đến tận thế kỷ 11 và tìm thấy những
“đợt sóng” trong các khoảng thời gian kéo dài mà giá cả hoặc ổn định hoặc
suy giảm, và nhiều trường hợp mà các giai đoạn giảm phát đi kèm với một
tỷ lệ tăng trưởng cao.
Trong những thời kỳ dài giảm phát hữu ích này, đà
giảm giá đã diễn ra không phải bởi một cú sốc về nhu cầu tiêu dùng, mà bởi
một cú sốc tích cực về cung ứng.
Những thời kỳ dài giảm phát hữu ích này đều diễn ra trước những năm
1930, và được thúc đẩy bởi sự phát kiến công nghệ hoặc thể chế, khiến chi
phí sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng giảm thấp, làm cho giá cả của
những mặt hàng này giảm xuống trong những giai đoạn dài. Trên thực tế,
những đợt giảm phát hữu ích thường trùng hợp với các cuộc bội lạm đầu tư
hữu ích về công nghệ mới như động cơ hơi nước, xe ô-tô hoặc Internet.
Có thể trích dẫn vài trường hợp giảm phát hữu ích: Ở Hà Lan vào thế
kỷ 17, một cuộc mở cửa mới mẻ cho thương mại và phát kiến về tài chính đã