Nhưng cũng có những dấu hiệu giảm phát tốt. Ví dụ, một trong những
tác nhân góp phần quan trọng nhất khiến tỷ lệ lạm phát suy giảm là sự suy
sụp giá dầu, vốn có hiệu ứng lan truyền đến tất cả các mặt hàng tiêu dùng.
Giá dầu giảm từ mức 110 đô-la một thùng vào giữa 2014 xuống 50 đô-la vào
đầu 2015, giá này giảm bởi nhiều lý do: tác động tiêu cực của nhu cầu sụt
giảm, đặc biệt ở Trung Quốc, nhưng cũng có tác động tích cực từ công nghệ
và khám phá mới về dầu đá phiến, yếu tố đột nhiên làm sống lại nền sản
xuất dầu của Mỹ. Lực giảm phát ẩn hiện trên toàn thế giới gồm các yếu tố
của cả giảm phát tốt và xấu. Bất chấp những tín hiệu bất phân định, nhiều
người bắt đầu kêu gọi đã đến lúc thế giới hãy từ bỏ cuộc chiến chống lại
nguy cơ cũ kỹ và rõ rệt của lạm phát để nhắm đến nguy cơ mới mẻ và đang
gây tranh cãi của giảm phát.
Giá tiêu dùng không phải là toàn bộ câu chuyện
Lập luận này bỏ qua thực tế thế giới đã thay đổi đến dường nào trong
những thập kỷ gần đây. Những làn sóng cũ của lạm phát và giảm phát đã
được thay thế trong thế giới hậu chiến bởi lạm phát một cách đều đều –
nhưng ngày càng được khống chế nhiều hơn. Giá tiêu dùng nói chung ít biến
động hơn so với trước kia và, so với các loại giá cả khác, chúng cũng tương
đối ít quan trọng trong vai trò tín hiệu dự báo các cú ngoặt của nền kinh tế.
Ngày nay, những biến động về giá tài sản, đặc biệt là giá cổ phiếu và nhà
đất, cũng quan trọng không kém, vì có một mối liên hệ ngày càng rõ giữa sự
suy giảm thị trường bất động sản và chứng khoán và các cuộc suy thoái kinh
tế.
Tầm quan trọng ngày càng tăng của giá tài sản bắt nguồn từ thời kỳ
toàn cầu hóa nhanh chóng gần đây, trước 2008. Do sự gia tăng của thương
mại toàn cầu và tiến bộ công nghệ trong ba thập kỷ qua, các nhà sản xuất có
thể tìm khắp thế giới các nhà máy có mức lương thấp nhất để chế tạo hàng
tiêu dùng. Và người tiêu dùng có thể tìm giá rẻ nhất trên Internet để mua
mọi thứ từ áo thun cho đến lưỡi cưa. Những lực này có xu hướng bình ổn
giá tiêu dùng.