thói quen tiêu thụ của mình. Nếu bị thâm hụt khá lớn trong tài khoản vãng
lai quá lâu, một quốc gia sẽ tích lũy nợ không thể trả và một lúc nào đó sẽ
rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính. Khi ấy đâu là điểm tới hạn?
Tôi bị cuốn hút bởi câu hỏi này lần đầu sau khi đọc một luận văn vào
2000 của nhà kinh tế thuộc Cục Dự trữ Liên bang Caroline Freund, người
mà trong một nghiên cứu về các nền kinh tế tiên tiến đã phát hiện ra rằng tài
khoản vãng lai có xu hướng trồi sụt theo một mô thức phần nào dự đoán
được: tín hiệu báo bước ngoặt sang chiều hướng xấu lóe lên khi thâm hụt tài
khoản vãng lai tăng lên trong khoảng bốn năm và đạt đỉnh ở mức 5% GDP.
Ngay sau khi vượt quá ngưỡng đó, thâm hụt thường có xu hướng đảo chiều
và rơi tự do, đơn giản vì các doanh nghiệp và các nhà đầu tư mất niềm tin
vào khả năng trả nợ của quốc gia ấy, và rút tiền ra. Điều đó làm giảm giá trị
của đồng tiền và buộc dân chúng nhập khẩu ít hơn. Thâm hụt tài khoản vãng
lai sau đó bắt đầu thu hẹp lại, và nền kinh tế chậm lại đáng kể cho đến khi
mức nhập khẩu giảm sút khiến tài khoản vãng lai cân bằng trở lại.
Đẩy mạnh nghiên cứu của Freund về điểm tới hạn bằng cách xem xét
tất cả các nước, tôi đã sàng lọc dữ liệu có được từ 186 quốc gia, cả mới nổi
lẫn đã phát triển, kể từ 1960. Tôi đã kiểm nghiệm nhiều quy mô thâm hụt
khác nhau, theo các giai đoạn ba năm và năm năm, và phát hiện được tổng
cộng 2.300 trường hợp như vậy.
Cuộc khảo sát này khẳng định rằng khi
thâm hụt tài khoản vãng lai tăng cao liên tục, hậu quả thông thường là một
cuộc trì trệ kinh tế trong năm năm tiếp theo. Nếu thâm hụt đạt trung bình từ
2 đến 4% GDP mỗi năm trong suốt một giai đoạn năm năm, mức độ suy
trầm tương đối nhẹ. Nếu thâm hụt đạt trung bình 5% hoặc hơn, mức độ suy
trầm sẽ gay gắt hơn đáng kể, làm tỷ lệ tăng trưởng GDP giảm 2,5% trong
năm năm tiếp theo.
Nghiên cứu này do đó củng cố thêm chứng cứ cho quy tắc 5%. Từ
1960, đã có 40 trường hợp mà một quốc gia có mức thâm hụt tài khoản vãng
lai gia tăng với tỷ lệ trung bình hằng năm ít nhất 5% GDP kéo dài đến năm
năm, và trong những trường hợp này suy trầm kinh tế là điều chắc chắn.
Trong 40 trường hợp này, 85% đã đi đến chỗ tăng trưởng suy giảm trong