năm năm tiếp theo, và trong khoảng 80% các trường hợp, đã có khủng
hoảng dưới một hình thức nào đó.
Đà trì trệ tăng trưởng đã xảy đến với
nhiều quốc gia cả giàu lẫn nghèo, gồm Na Uy, Hàn Quốc, Peru và
Philippines trong những năm 1970; Malaysia, Bồ Đào Nha, Brazil và Ba
Lan trong những năm 1980; Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Thổ Nhĩ
kỳ trong giai đoạn chi tiêu thái qua một cách hưng phấn trong thập kỷ qua.
Điểm then chốt: Nếu một quốc gia bị thâm hụt tài khoản vãng lai lên
đến 5% GDP mỗi năm trong năm năm thì một cuộc suy trầm kinh tế nhiều
khả năng sẽ xảy ra, và một hình thức khủng hoảng nào đó cũng có thể xảy
ra. Bất kỳ quốc gia nào rơi vào lộ trình này rõ ràng đang tiêu thụ nhiều hơn
khả năng có thể kham được, và cần phải tiết giảm. Tình trạng thâm hụt tài
khoản vãng lai dai dẳng hơn 3% hoặc 4% GDP cũng có thể báo hiệu các rắc
rối kinh tế và tài chính sẽ xảy đến, có điều ít cấp bách hơn.
Tuy nhiên, dưới ngưỡng 3%, thâm hụt tài khoản vãng lai dai dẳng có
thể thậm chí không phải là tệ, tùy theo đang rót vào đâu. Mặc dù bất kỳ sự
thâm hụt nào cũng cho thấy tiền đang chảy ra khỏi nước ấy, dòng chảy này
có thể là một lợi thế nếu tiền đang được chi cho các khoản nhập khẩu sinh
lợi – chẳng hạn, máy móc và thiết bị để xây dựng nhà máy. Trong trường
hợp đó, các khoản vay tài trợ cho những cuộc mua sắm này đang trợ giúp
công cuộc đầu tư sinh lợi cho sự tăng trưởng trong tương lai. Trên thực tế,
tôi đã gặp các quan chức của thế giới mới nổi tin tưởng rằng bất kỳ khoản
thâm hụt nào dưới 3% GDP đều chấp nhận được, trong khi bất cứ mức nào
cao hơn đều gây quan ngại. Tại các cuộc họp mùa xuân 2015 của IMF ở
Washington, một quan chức hàng đầu từ Indonesia cho biết ngân hàng trung
ương của họ lúc bấy giờ cho rằng nếu thâm hụt tài khoản vãng lai chạm mốc
3% GDP, đó là lúc tăng lãi suất nhằm hạn chế chi tiêu tiêu dùng và từ đó
ngăn xứ sở sống vượt quá khả năng của mình.
Các rủi ro do thâm hụt tài khoản vãng lai phụ thuộc vào loại hình chi
tiêu mà nước ấy đang can dự vào. Nếu chi tiêu chủ yếu là cho nhập khẩu
như hàng xa xỉ, vốn không thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai, nước ấy sẽ
khó khăn hơn nhiều để trang trải hóa đơn nhập khẩu và nợ vay khi đến hạn.