khủng hoảng tài chính. Hồi 1980, tổng mức tiết kiệm và đầu tư của một
quốc gia liên quan với nhau rất chặt chẽ: nếu mức đầu tư tăng trưởng với
một nhịp độ ổn định, thì với hầu hết các nước, mức tiết kiệm cũng tăng
trưởng với một nhịp độ ổn định. Tuy nhiên, đến những năm 2000, mối liên
hệ đó đã thay đổi. Các dòng vốn toàn cầu gia tăng đã tạo ra hàng ngàn tỷ đô-
la vốn mới mỗi năm. Các quốc gia không nhất thiết phải tiết kiệm gắt gao để
chi tiêu hoặc đầu tư dồi dào, vì họ có thể dễ dàng khai thác tiền tiết kiệm của
nước khác, nguồn cơ bản của các dòng vốn toàn cầu. Nói tóm lại, các nước
như Trung Quốc, nơi thặng dư tài khoản vãng lai đạt đỉnh 10% vào 2007, đã
tiết kiệm đủ thu nhập thặng dư để tài trợ cho các thói quen tiêu dùng thường
kém hiệu quả ở các nước như Mỹ, nơi thâm hụt tài khoản vãng lai đạt đỉnh
6% vào 2006. Rủi ro nằm ở chỗ dòng vốn toàn cầu cho phép nhiều quốc gia
chi tiêu vượt mức họ tiết kiệm được bằng cách mượn nợ nước ngoài.
Hiệu quả ngày xưa của tinh thần tiết kiệm nội địa đang phục hưng. Sự
hồi sinh tiền tiết kiệm của quốc gia thể hiện rõ ràng trong tài khoản vãng lai,
con số đo đạc mức chênh lệch giữa tiêu thụ và sản xuất, và con số ấy tiết lộ
mức mà quốc gia ấy đang tiết kiệm được. Nếu các quốc gia tiêu thụ nhiều
hơn mức họ làm ra, làm phát sinh thâm hụt tài khoản vãng lai, họ đang lạm
chi vào các khoản tiết kiệm. Giờ đây, khi thương mại toàn cầu đang thoái
lui, sự mất cân bằng tài khoản vãng lai của thế giới, được định nghĩa là giá
trị tuyệt đối của tất cả các khoản thâm hụt tài khoản vãng lai và thặng dư tài
khoản vãng lai, đã giảm bớt 600 tỷ đô-la xuống còn 2,7 ngàn tỷ đô-la, tức
giảm khoảng một phần ba GDP toàn cầu. Điều này cho thấy tiền đang
chuyển xuyên biên giới ít hơn rất nhiều. Từ khi đạt đỉnh 6% vào 2006, thâm
hụt tài khoản vãng lai của Mỹ đã giảm hơn một nửa xuống còn 2,5% GDP,
và nước này giờ đây ít phụ thuộc hơn rất nhiều vào nguồn vốn từ nước
ngoài. Ở 19 quốc gia của Eurozone, thâm hụt tài khoản vãng lai đạt trung
bình 1,6% GDP vào 2008, nhưng mức thâm hụt này đã nhường chỗ cho mức
thặng dư 2,4% vào 2014. Sau khi sụp đổ vào 2007, mối liên hệ giữa tiết
kiệm nội địa và đầu tư nội địa cũng đã trở lại đạt mức hồi 1980. Một lần
nữa, về mức độ đầu tư, hầu hết các nước đều tài trợ cho đầu tư phần lớn từ
tiền tiết kiệm của chính mình.