Mối quan ngại trong thời Hậu khủng hoảng là hiện tượng “thừa tiết
kiệm” mới xuất hiện, do tình trạng thiếu cơ hội đầu tư. Một số yếu tố đang
góp phần tạo ra hiện tượng này, nhưng hai yếu tố quan trọng nhất là tăng
trưởng chậm hơn ở thế giới mới nổi và sự sụt giảm giá hàng nguyên liệu.
Vào những năm 2000, đầu tư gia tăng về tỷ lệ so với GDP toàn cầu, nhưng
sự gia tăng đó xuất phát từ thế giới mới nổi, nơi mức suy trầm kinh tế vào
những năm 2010 là hết sức gay gắt. Điều đó giờ đây đang làm giảm cơ hội
rót tiền tiết kiệm vào đường sá và các khoản đầu tư khác ở các nước mới
nổi, mà nhiều nước trong số đó vận hành bởi tiền xuất khẩu dầu và các hàng
nguyên liệu khác. Từ 2009 đến 2014, hơn một phần ba tổng đầu tư của thế
giới trên toàn cầu đã rót vào các ngành hàng nguyên liệu, nhưng mức độ ấy
dự kiến sẽ giảm mạnh sau khi giá dầu sụp đổ vào cuối 2014.
Mặc dù các lực tác động này cho thấy tăng trưởng kinh tế chậm lại
trong thời kỳ mới, chúng cũng cho thấy một sự ổn định cao hơn. Nhiều quốc
gia đang dựa ít hơn vào đối tác nước ngoài để trang trải cho thói quen chi
tiêu của họ, vốn có thể là một yếu tố bình ổn trong một thế giới mà dòng vốn
gia tăng – đặc biệt từ các dòng tiền nóng – đã dung dưỡng cho cường độ lẫn
tần suất của các cuộc khủng hoảng tiền tệ.
Dõi theo dân bản địa
Dù sự bành trướng ào ạt của thương mại và các dòng tiền toàn cầu đã
chấm dứt sau cuộc khủng hoảng 2008, nhiều chính trị gia vẫn nhanh nhảu đổ
lỗi cho nước ngoài về bất kỳ một cuộc khủng hoảng tài chính nào trong
nước. Có một nếp nghĩ chung rằng các biến động lớn về dòng tiền có thể
gây ra khủng hoảng tiền tệ đều do các tay chơi quy mô toàn cầu gây ra, mà
nhiều tay chơi trong số đó nổi lên trên trường quốc tế trong những thập kỷ
gần đây của thời đầu cơ toàn cầu hóa. Hùng mạnh nhất trong các đấu thủ
này là các nhà tài phiệt quỹ phòng hộ, các nhà quản lý quỹ ở nhiều công ty
đầu tư, các quỹ đầu tư của chính phủ để đầu tư lợi nhuận dầu mỏ với các
quốc gia dầu mỏ như Ả Rập Saudi, và các quỹ hưu trí đang quản lý tiền tiết
kiệm cho hàng trăm triệu người lao động trên toàn thế giới. Người ta thêu
dệt nên ánh hào quang bí ẩn quanh một số tổ chức tài chính “bí mật” trong