số này. Các tổ chức này thường được coi như con mắt theo dõi bí mật – phần
nào giống quan niệm của nhiều nước về CIA – với tiềm lực trong tay và
công nghệ vạn năng cho phép họ tạo dựng các diễn biến và thắng thế các đối
thủ đầu tư ở những ngóc ngách của thế giới.
Đúc kết của tôi thì ngược lại: Để phát hiện điểm khởi đầu hay kết thúc
của bất ổn tiền tệ tại các thị trường mới nổi, hãy theo dõi người dân bản địa.
Họ là những người đầu tiên biết khi nào một quốc gia bị khủng hoảng hoặc
hồi phục, và họ sẽ là những người hành động đầu tiên. Các đấu thủ lớn toàn
cầu hầu như chỉ theo chân.
Thường khủng hoảng nổ ra ở các nước mới nổi khi các nhà đầu tư mất
niềm tin vào nền kinh tế và bắt đầu rút tiền ra, làm giảm giá trị của đồng nội
tệ và khiến nước ấy không có khả năng trả nợ nước ngoài. Nước này khi ấy
thường cầu cứu IMF để có gói cứu trợ. Người ta thường nhanh nhảu đổ lỗi
cho người nước ngoài manh động đã châm ngòi cho cuộc thoái vốn. Sự ngờ
vực này trỗi dậy trong mọi cuộc khủng hoảng tiền tệ từ cuộc khủng hoảng
tài chính châu Á vào 1997 – 1998 – mà Thủ tướng Malaysia Mahathir
Mohamad đã quy kết cho các nhà đầu tư nước ngoài là “vô đạo đức” và
“gian tà” – cho đến những cuộc công kích chớp nhoáng vào 2013 với đồng
lira của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng rupee của Ấn Độ, đồng rupiah của Indonesia và
các đồng tiền mới nổi khác. Không chỉ giới chính trị gia các nước, mà cả các
tổ chức toàn cầu, gồm IMF, cũng gán những đợt thoái vốn tổn hại này cho
thế lực bên ngoài.
Phản ứng tự nhiên này bỏ sót vài bước quan trọng trong chuỗi diễn biến
thông thường. Trước hết, sự công kích mang tính dân tộc chủ nghĩa này đối
với các nhà đầu cơ nước ngoài vô đạo đức ngụ ý rằng dân chúng đều trung
thành và yêu nước, còn người ngoài thì manh động và lợi dụng. Cách nói
này bất chấp nghịch lý Lucas, được đặt tên theo nhà khoa học đã đoạt giải
Nobel Robert Lucas, vốn đặt dấu hỏi về giả định cho rằng tiền thường chảy
từ các nước giàu sang các nước nghèo, do các nhà đầu tư giàu ở Mỹ hoặc
châu Âu tìm kiếm lợi nhuận cao ở các thị trường tăng trưởng nóng. Lucas
chỉ ra rằng giới giàu nội địa ở các nước mới nổi cũng có động cơ mạnh mẽ