nhiều khó khăn hơn để khai thác đồng tiền giá rẻ. Lý do là sự hội nhập toàn
cầu gần đây của các chuỗi cung ứng, tức nhiều nhà sản xuất mua một tỷ lệ
lớn linh kiện và nguyên liệu thô từ nước ngoài. Kết quả là, xuất khẩu giờ
đây hàm chứa một tỷ trọng lớn hàng nhập khẩu, và nếu các cường quốc sản
xuất cố gắng giành lợi thế xuất khẩu bằng cách phá giá nội tệ, rốt cục họ sẽ
phải trả giá cao hơn cho các mặt hàng nhập khẩu này.
Nếu một quốc gia lại còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu các mặt hàng
chủ lực cơ bản như lương thực và năng lượng, đồng nội tệ rẻ hơn sẽ khiến
họ tốn kém hơn để nhập khẩu các món thiết yếu này, và rốt cục gây ra lạm
phát, tiếp tục làm suy yếu đồng tiền và cổ vũ cho nạn thoái vốn. Đây chính
là hội chứng tái diễn với Thổ Nhĩ Kỳ.
Những đợt rút vốn này đẩy chính phủ vào một tình thế khó xử. Khi
người nước ngoài bắt đầu theo chân dân chúng tháo lui, ngân hàng trung
ương thường cố gắng ngăn chặn để tình trạng rút vốn không gây ra sự sụp
đổ đột ngột và mất ổn định giá trị nội tệ. Ngân hàng sẽ dành ra hàng tỷ đô-la
từ nguồn dự trữ để mua đồng tiền của mình, hy vọng “bảo hộ” đồng tiền,
nhưng điều này chỉ khiến suy kiệt nguồn dự trữ và làm gián đoạn tạm thời
đà tuột dốc của tiền tệ. Điều đó tạo cho các nhà đầu tư một cơ hội để thoát
khỏi xứ sở với một phần tổn thất, nhưng cuộc rút vốn của họ vẫn tiếp tục
gây áp lực làm sụt tỷ giá hối đoái. Nhiều thương gia tiền tệ đã đùa rằng “bảo
hộ đồng tiền” thực chất nghĩa là “trợ cấp di tản” cho các nhà đầu tư nước
ngoài. Đây chính là diễn biến của cuộc khủng hoảng 1997 – 1998 ở cả
Indonesia và Thái Lan, chẳng hạn. Tốt hơn hết, ngay từ đầu, hãy để cho thị
trường tự định đoạt giá cả đối với đồng nội tệ.
Hiếm quốc gia nào có thể cố tình phá giá để làm giàu. Ý này khiến
chúng ta nhớ lại cuộc phá giá mấu chốt ở Trung Quốc vào 1993, vì nó là một
trong những trường hợp hiếm hoi dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ
hơn mà không phải trả giá, thậm chí trong ngắn hạn. Trung Quốc có ít nợ
nước ngoài, và không phụ thuộc quá nhiều vào hàng nhập khẩu, và quan
trọng nhất, nước này có một khu vực sản xuất mạnh mẽ, mà thậm chí còn
tăng trưởng nhanh hơn nữa sau khi Bắc Kinh phá giá đồng nhân dân tệ.