trữ ngoại tệ này có thể được dùng để trả nợ hoặc vực dậy các ngân hàng địa
phương đang thiếu vốn.
Phe Trung Quốc đi lên lập luận rằng mặc dù nhiều nước mới nổi rơi
vào khủng hoảng sau khi vay nhiều từ chủ nợ nước ngoài, người vay Trung
Quốc mắc nợ chủ yếu với chủ nợ Trung Quốc. Trong tình huống như vậy,
chính phủ có thể dàn xếp để các khoản nợ xấu được giải quyết trong nội bộ
xứ sở. Và các ngân hàng thông thường của Trung Quốc, trái với các ngân
hàng ngầm, trông khá ổn định – được hậu thuẫn bởi lượng người gửi tiền rất
lớn, nhờ vào tiền tiết kiệm nội địa rất hùng mạnh, lên đến 50% GDP, so với
mức trung bình toàn cầu vào khoảng 22%. Nói tóm lại, phe đi lên lập luận
rằng Trung Quốc có vị thế tốt để trả hết nợ hoặc xóa nợ cho chính mình.
Số liệu quá khứ khiến ta nghi ngờ về độ vững chắc của lời biện hộ này,
không chỉ đối với Trung Quốc mà với bất cứ nước nào. Nhiều quốc gia khác
trong danh sách 30 cơn sốt tín dụng khốc liệt nhất cũng đã có một số lợi thế
như vậy, nhưng điều này cũng chẳng giúp gì được cho họ. Đài Loan bị
khủng hoảng ngân hàng vào 1995 mặc dù có dự trữ ngoại hối đạt 45% GDP,
cao hơn một chút so với mức Trung Quốc tích lũy được cho đến 2014. Các
ngân hàng Đài Loan cũng tỏ ra có những khoản tiền gửi rất dồi dào để hậu
thuẫn các khoản cho vay, nhưng điều đó không ngăn được khủng hoảng.
Khủng hoảng ngân hàng xảy ra ở Nhật Bản vào những năm 1970 và
Malaysia vào những năm 1990, mặc dù các nước này có tỷ lệ tiết kiệm trong
nước cao đến khoảng 40% GDP, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn
cầu.
Cuối cùng, một trong những sai lầm lớn nhất trong luận điểm biện hộ
cho Trung Quốc là mặc dù tổng gánh nặng nợ của nước này (công và tư)
trông cao, đó không phải là mối đe dọa thực sự. Đến 2015, các khoản nợ của
Trung Quốc đã tăng lên đến tỷ lệ hơn 250% so với GDP, nhưng mức này vẫn
xấp xỉ với gánh nặng của Mỹ và nhỏ hơn nhiều so với Nhật Bản, vốn là gần
400%. Vấn đề trong cách so sánh này là các quốc gia giàu luôn luôn có thể
xử lý các khoản nợ lớn, với lý do rõ rệt là họ có nhiều tiền hơn trong ngân
hàng. Một gánh nặng nợ tương đương khoảng 250% của GDP là khá bình