Lộ trình của một quốc gia phụ thuộc phần lớn vào việc chính phủ có
thể nhanh chóng giải quyết ra sao tỷ lệ cân đối cơ bản dư nợ so với GDP,
bằng cách làm chậm tốc độ tăng trưởng nợ hoặc khôi phục tăng trưởng GDP,
hoặc cả hai. Trong một nền kinh tế đang trưởng thành như Trung Quốc, nơi
mức tăng trưởng đang chậm lại một cách tự nhiên, câu hỏi then chốt là chính
phủ có thể khắc phục vấn đề nợ nhanh chóng và tích cực đến đâu.
So với các quốc gia khác trong danh sách các cơn sốt tín dụng khốc
liệt, một con đường khả dĩ cho Trung Quốc là đi theo lộ trình của các nền
kinh tế thần kỳ khác ở châu Á, nhất là Đài Loan, nơi mà nợ gia tăng đã tạo
ra một cuộc khủng hoảng nhẹ vào 1995 và một cuộc nghiêm trọng vào 1997.
Đài Loan ứng phó bằng cách giảm mạnh cho vay. Lúc bấy giờ Đài Loan
đang xa rời định hướng độc đoán của chủ nghĩa tư bản thân hữu được thiết
lập bởi Tưởng Giới Thạch, và nhiều đấu thủ tư nhân đang gia nhập thị
trường, gồm cả các ngân hàng tư nhân. Họ cạnh tranh với các ngân hàng nhà
nước, cho vay dựa trên triển vọng kinh tế thay vì quan hệ chính trị của người
vay. Chính phủ cũng hủy bỏ một kế hoạch đầu tư lớn trong sáu năm, thay vì
gánh nợ để thúc đẩy các dự án. Kết quả là tổng nợ của Đài Loan chững lại,
và ngày nay đạt mức 175% GDP, vào khoảng mức trước đây tại thời điểm
khủng hoảng giữa những năm 1990. Nền kinh tế đã chùng xuống một đường
tăng trưởng dài hạn thấp hơn, từ gần 9% trong năm năm trước khi mức tăng
trưởng tín dụng vượt ngưỡng 40% vào 1992, xuống chỉ còn dưới 7% trong
năm năm sau. Tuy nhiên, mức này vẫn là một tỷ lệ tăng trưởng mạnh mẽ đối
với một nền kinh tế đang phát triển, mà lúc đó đã có mức thu nhập bình
quân đầu người khoảng 15.000 đô-la.
Tuy nhiên, một kịch bản tệ hại hơn đối với Trung Quốc cũng có thể xảy
ra. Đó là con đường trong những năm 1990 của Nhật Bản, nước đã cố gắng
tránh hậu quả bằng mọi giá sau khi các khoản nợ gia tăng dẫn đến sự sụp đổ
bong bóng bất động sản và thị trường chứng khoán. Thay vì có biện pháp
làm chậm tốc độ tăng trưởng cho vay, hoặc buộc các ngân hàng nhìn nhận
và làm sạch các khoản nợ xấu, Nhật Bản đã giải cứu những người vay gặp
khó khăn và bảo hộ các khoản nợ xấu bằng các khoản vay mới. Chuỗi giải
cứu này đã được hỗ trợ bởi các keiretsu, tức các đại tập đoàn như Mitsubishi