Đến năm 2015, người ta lại thấy rõ một sự đảo ngược vai trò. Khi ấy
khu vực tư nhân của các nước phát triển như Mỹ và Tây Ban Nha đã giảm
gánh nặng nợ trong khi nhiều thị trường mới nổi lại đang vay mạnh nhằm nỗ
lực duy trì đà tăng trưởng. Khi các chính phủ trong thế giới mới nổi mở vòi
tín dụng sau cuộc Đại suy thoái vào 2008, quy mô nợ đã tăng vọt nhưng tốc
độ tăng trưởng kinh tế không theo kịp.
Đây là mặt trái của một cuộc bội lạm đầu tư nguy hại, thường được
bơm lên trong các giai đoạn cuối bởi quá nhiều chủ nợ cho vay quá nhiều
tiền để đầu tư vào các dự án ngày càng không hiệu quả, như xây dựng nhà
máy dư thừa công suất hoặc sắm sửa ngôi nhà thứ hai đầy xa hoa. Trước
2007, như chúng ta đã thấy, mất một đô-la nợ mới để tạo ra một đô-la tăng
trưởng GDP ở thế giới mới nổi, gồm cả Trung Quốc. Năm năm sau cuộc
khủng hoảng toàn cầu, phải mất hai đô-la nợ mới để tạo ra một đô-la tăng
trưởng GDP ở các nước mới nổi, và ở Trung Quốc phải mất bốn đô-la, bởi
vì ngày càng nhiều tiền vay đổ vào các khoản đầu tư không hiệu quả. Đến
2015, nhiều quốc gia mới nổi từ Brazil đến Thổ Nhĩ Kỳ và Thái Lan đã phải
trả giá vì vay mượn quá nhiều trong một khoảng thời gian ngắn, và nợ thái
quá đã trở thành một trở ngại lớn đối với triển vọng kinh tế của họ.
Mức nợ gia tăng có thể là một dấu hiệu của sự tăng trưởng lành mạnh,
miễn sao nợ không tăng nhanh hơn quá nhiều và quá lâu so với nền kinh tế.
Mức nợ có thể can hệ vào một lúc nào đó, nhưng tốc độ tăng nợ mới là dấu
hiệu quan trọng và rõ rệt nhất để biết tình hình chuyển biến theo hướng tốt
hay xấu, và những dấu hiệu đầu tiên của rắc rối thường xuất hiện ở khu vực
tư nhân, nơi khởi nguồn các cơn sốt tín dụng. Tâm lý của một cuộc bội lạm
tín dụng không chỉ dẫn đến sai lầm khi cho vay và nạn vay mượn thái quá
làm trì trệ sự tăng trưởng và có thể đưa đến khủng hoảng tài chính, mà còn
để lại một vết sẹo tinh thần, có thể kéo dài sau khi cuộc khủng hoảng đã đi
qua. Một khi các triệu chứng của hội chứng sợ nợ bắt đầu trôi qua và ngân
hàng sẵn sàng cho vay trở lại, quốc gia ấy sẽ cảm thấy thoát khỏi gánh nặng
nợ và sẵn sàng tăng trưởng trở lại.