Thế giới vẫn còn vang vọng nỗi sợ về những kịch bản “quả bom dân
số”, rằng lượng người sẽ vượt xa nguồn cung thực phẩm và các nguồn lực
khác, với hậu quả choáng váng. Những kịch bản ấy dựa trên dự báo thường
được trích dẫn của Liên Hiệp Quốc cho năm 2050, nêu rằng dân số sẽ tăng
thêm 2,4 tỷ, từ 7,3 tỷ lên 9,7 tỷ người. Con số gần 10 tỷ nghe có vẻ cao đến
mức đáng sợ, nhưng dự báo của Liên Hiệp Quốc thực ra đã xét đến sự trì trệ
đáng kể về tỷ lệ tăng trưởng dân số. Trẻ em đang được sinh ra ít hơn, người
trẻ bước vào nhóm thuộc độ tuổi lao động ít hơn, trong khi tổng dân số đang
gia tăng chủ yếu là do con người sống thọ hơn. Bối cảnh chung này quả là
nguy hại cho sự tăng trưởng kinh tế.
Suốt phần lớn thời kỳ hậu Thế chiến II, dân số toàn cầu tăng trung bình
gần 2% mỗi năm, có nghĩa là nền kinh tế thế giới cũng có thể kỳ vọng sẽ
tăng trưởng với tỷ lệ căn bản gần 2% – và thêm một vài điểm phần trăm nữa
khi sản lượng của công nhân cũng gia tăng. Thế rồi vào khoảng 1990 mức
tăng trưởng dân số toàn cầu sa sút. Tỷ lệ tăng trưởng từ đó đã giảm một nửa
chỉ còn 1%. Sự khác biệt giữa 1% và 2% nghe có vẻ không nhiều, nhưng
nếu tỷ lệ tăng dân số vẫn ở mức 2% kể từ 1990, dân số toàn cầu hiện nay sẽ
là 8,7 tỷ, chứ không phải 7,3 tỷ. Thế giới sẽ không bị lão hóa quá nhanh, và
chúng ta sẽ không phải bàn về tác động của dân số đối với sự tăng trưởng
kinh tế.
Tác động kinh tế của sự suy giảm tỷ lệ tăng trưởng dân số phải mất thời
gian để lộ diện, vì phải mất một thời gian để trẻ sơ sinh lớn đến độ tuổi lao
động, tuổi 15. Tất nhiên, ở nhiều nơi phải đến khi 20 hoặc 25 tuổi người ta
mới thực sự bắt đầu làm việc, tùy thuộc họ ăn học ở trường trong bao lâu. Vì
vậy, phải mất 15 năm trở lên để sự suy giảm tỷ lệ sinh có tác động rõ rệt vào
vai trò của dân số đối với mức tăng trưởng kinh tế, một thực tế đã trở nên
ngày càng rõ trong năm năm vừa qua.
Sự sụt giảm tỷ lệ tăng trưởng dân số toàn cầu là kết quả về sau của các
chính sách kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt được triển khai ở thế giới mới
nổi trong những năm 1970, nhất là chính sách một con mà Trung Quốc đề ra
vào 1978. Ở các nước mới nổi và phát triển, sự trì trệ tăng trưởng dân số còn