nửa xuống còn dưới 1%. Bìa “Đức lên ga” vào tháng 11-2007 báo hiệu Đức
chững lại sau đó, và cứ thế.
Ý ở đây không nhằm hạ bệ nghề báo của Time hoặc các tạp chí tin tức
mà để làm nổi bật hai vấn đề song hành, lối nghĩ ngoại suy và tư duy tuyến
tính. Những sự thiên lệch này có thể che mắt những ai nghiêm túc muốn
nắm bắt các bước xoay chuyển lớn trong vận mệnh các quốc gia, nhất là khi
giai đoạn tốt đẹp đang đến. Các phóng viên dù sao cũng có xu hướng noi
theo sự dẫn dắt của các nhà nghiên cứu thị trường, giới học thuật đáng gờm
và các tổ chức lớn như IMF. Với tầm vóc của mình, các dự báo của IMF
được coi là chủ đạo đến mức chúng thường được chấp nhận như quan điểm
đồng thuận toàn cầu. Tuy nhiên, chúng lại cho thấy một xu hướng cường
điệu có hệ thống đối với triển vọng của các nền kinh tế nóng, hệt như mọi
người khác.
Hồi 2013 cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers và đồng nghiệp
của ông Lant Pritchett đã công kích trực diện cơ chế cường điệu của truyền
thông bằng luận văn “Cơn hưng cảm Á châu thoái triển về trị trung bình”,
một công trình mà trong đó họ chất vấn các dự báo rằng nền kinh tế Trung
Quốc và Ấn Độ sẽ tăng trưởng gấp nhiều lần trong những thập kỷ tới.
Summers và Pritchett gần như nài nỉ IMF và các nhà dự báo khác hãy thôi
giả định rằng các nước đang nóng sẽ nóng mãi, và hãy nhận ra rằng kết luận
hùng hồn nhất của quá trình nghiên cứu hậu chiến về tăng trưởng kinh tế đã
nói rằng tất cả các nền kinh tế đều có xu hướng “thoái triển về trị trung
bình”, tức giảm về tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong lịch sử đối với
tất cả các nước. (Tỷ lệ đó ở vào khoảng 3,5%, hay 1,8% đối với tăng trưởng
thu nhập bình quân đầu người). Các dự báo của IMF cho rằng Ấn Độ và
Trung Quốc sẽ không thoái triển mà sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ chỉ
hơi khiêm tốn hơn, tăng gấp bốn lần về quy mô cho đến 2030, với mức gia
tăng tổng cộng 53 ngàn tỷ đô-la. Summers và Pritchett tranh luận rằng lịch
sử cho thấy tốc độ tăng trưởng ở Trung Quốc và Ấn Độ hầu như thoái triển
về trị bình quân, tức sẽ chỉ tăng gấp đôi quy mô vào 2030, với mức tăng
tổng cộng 11 ngàn tỷ đô-la. Có khoảng cách 42 ngàn tỷ đô-la giữa mức
ngoại suy và sự hồi quy giá trị trung bình, vốn là một mô thức đã được củng