thông toàn cầu như các nước ở Nam Á. Biệt lệ là Ấn Độ, nước đã được tâng
bốc với các cơn sốt thổi phồng trong nhiều năm, mà gần đây nhất là khi Thủ
tướng Narendra Modi lên nắm quyền vào tháng 5-2014 và hứa hẹn cải cách
lớn về kinh tế. Tuy nhiên, các nước láng giềng nhỏ của Ấn Độ vẫn nằm
ngoài tầm ngắm. Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka được quốc tế đưa tin,
lần lượt, về các vấn đề như khủng bố, bóc lột và truy tố tội phạm chiến
tranh. Những câu chuyện này che lấp thực tế về kinh tế rằng Bangladesh, Sri
Lanka và Pakistan đang đóng góp vào sự trỗi dậy thầm lặng của Nam Á.
Tổng cộng, các quốc gia Nam Á này đang tăng trưởng với tỷ lệ trung
bình hằng năm gần 6%, rất tốt theo chuẩn của thời Hậu khủng hoảng, ngay
cả với những nước có thu nhập thấp. Các lãnh đạo trong khu vực đang đẩy
mạnh cải cách, tín dụng tăng trưởng trong tầm kiểm soát, và dân số trong độ
tuổi lao động đang tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là ở Pakistan và Bangladesh.
Khác với hầu hết các khu vực mới nổi, giá hàng nguyên liệu giảm có lợi cho
Nam Á, nơi tất cả các nền kinh tế đều nhập khẩu hàng nguyên liệu. Giá dầu
thấp đang kìm giữ tỷ lệ lạm phát ngay cả khi tăng trưởng kinh tế đang tăng
tốc – một sự phối hợp lý tưởng. Vào 2015 Nam Á có mật độ các nền kinh tế
đang tăng tốc cao nhất trên thế giới.
Cả khu vực này đang trỗi dậy thành một trọng điểm địa lý. Từ 2008
nhiều nền kinh tế mới nổi đã bị tổn thương bởi mức lương tăng và tỷ trọng
trong kim ngạch xuất khẩu toàn cầu sụt giảm, nhưng Bangladesh, Pakistan
và Sri Lanka hưởng lợi rất nhiều do các nhà sản xuất đang tìm kiếm mức
lương thấp ngoài Trung Quốc. Bangladesh hiện là nước xuất khẩu đứng thứ
hai, sau Trung Quốc, về quần áo may sẵn sang Mỹ và Đức. Và trong lúc
tranh thủ tạo ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương, Trung Quốc và Nhật Bản đang đầu
tư tiền tỷ vào các cảng mới ở các quốc gia này, tất cả đều nằm ở vị trí đắc
địa gần các tuyến giao thương trọng yếu Đông – Tây , một yếu tố thiết yếu
của trọng điểm địa lý. Sau khi Bắc Kinh gần đây công bố kế hoạch xây dựng
một “hành lang kinh tế” 46 tỷ đô-la kết nối các hải cảng trên bờ biển phía
Nam của Pakistan đến miền Tây Trung Quốc, Nhật Bản đã đánh bại Trung
Quốc để giành quyền xây dựng cảng nước sâu đầu tiên của Bangladesh tại
Matarbari.