Quy luật nợ tiếp tục cảnh báo nguy cấp. Các cuộc bội lạm nợ lớn như
của Trung Quốc luôn luôn dẫn đến suy trầm kinh tế, và thường đi kèm với
một hình thức khủng hoảng tài chính. Không một quốc gia đang phát triển
nào tích nợ nhanh như Trung Quốc kể từ 2008, và nợ của nước này vẫn đang
tăng nhanh gấp đôi GDP. Nhiều khoản tín dụng đã đổ vào các khoản đầu tư
ngày càng không hiệu quả, chiếm đến hơn 35% GDP, ngưỡng trần của biên
độ an toàn để tăng trưởng ổn định.
Vào 2013, đầu tư ở Trung Quốc đạt mức cao đỉnh điểm của mọi thời
đại – 47% GDP – do tăng đều từ mức dưới 25% vào 1970. Điều này cho
thấy một bước ngoặt đáng báo động nữa. Nghiên cứu của tôi chỉ ra rằng tốc
độ tăng trưởng kinh tế thường tụt một nửa trong năm năm sau khi đầu tư đạt
đỉnh trên 40% GDP. Khu vực công nghiệp hiện chiếm một phần lớn bất
thường của nền kinh tế Trung Quốc, và sau khi sa sút mạnh vào năm ngoái
giờ đây tiếp tục suy giảm trong 2016, cho thấy cuộc suy thoái công nghiệp
đầu tiên ở Trung Quốc kể từ khi nước này bắt đầu mở cửa với thế giới hồi
1978.
Động thái của dân chúng trong nước cũng cho thấy rắc rối. Bắc Kinh
gần đây đã giảm giá đồng nhân dân tệ, với hy vọng hồi sinh công nghiệp và
xuất khẩu, và ngăn chặn đà thoái vốn đột ngột. Thế nhưng, mức phá giá này
tỏ ra quá nhỏ để trấn an, và người Trung Quốc bắt đầu chuyển tiền ra nước
ngoài gấp hơn nữa. Vào 2015, 640 tỷ đô-la đã chạy khỏi Trung Quốc, hầu
hết vào sáu tháng cuối năm và nhiều khoản được che đậy dưới dạng doanh
thu xuất khẩu giả mạo và các chiêu thức khác mà dân chúng dùng để che
giấu dòng vốn bất hợp pháp. Kịch bản này từng diễn ra với hậu quả khốc
liệt, vì với 10 trong số 12 cuộc khủng hoảng tiền tệ ở thị trường lớn mới nổi
kể từ 1990, giới đầu tư trong nước tháo chạy rất sớm trước người nước
ngoài.
Tình trạng thoái vốn biểu thị cho sự bất tín nhiệm rõ rệt vào khả năng
của chính phủ có thể chèo lái tình hình kinh tế đang xấu đi. Trong trường
hợp Trung Quốc, các dòng tiền lớn đến độ có thể cảm nhận được trên khắp
thế giới. Giới giàu Trung Quốc đang sử dụng đồng nhân dân tệ đắt giá để