sách nghỉ hộ sản tăng cường dành cho cha mẹ và trào lưu bố trí công việc
linh hoạt, bán thời gian. Trong thời gian ngắn, Hà Lan đã nhanh chóng bắt
kịp và vượt qua Mỹ trong việc vận dụng năng lực của phụ nữ.
Bất kể các chiến dịch này năng nổ đến đâu, tất cả các quốc gia đều có
tỷ lệ tham gia của nam cao hơn so với nữ, mặc dù sự cách biệt giới tính này
khác biệt rất lớn tùy theo quốc gia. Các quốc gia có khoảng cách giới nhỏ
nhất, ít hơn 10%, bao gồm Na Uy, Thụy Điển, Canada và Việt Nam. Việt
Nam có vẻ là một thành viên bất ngờ trong danh sách, nhưng các khoảng
cách về giới này liên quan đến văn hóa chính trị, và nhiều nước xã hội chủ
nghĩa hay cộng sản, gồm Trung Quốc, đã có những biện pháp đồng bộ để
huy động phụ nữ vào lực lượng lao động. Điều đó cũng đúng ngay cả ở Nga,
nước có tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động tương đối cao mặc dù pháp
luật thời Liên Xô đã phong tỏa hơn 450 nghề bị xem là “quá vất vả đối với
phụ nữ”. Vladimir Putin đã giải tỏa những hạn chế này khi lên nắm quyền
vào 2000, và tòa án Nga đã phán quyết giữ nguyên quyết định đó mới 2009.
Trong một khảo sát năm 2014 tại 143 quốc gia mới nổi, Ngân hàng Thế giới
thấy rằng 90% có ít nhất một đạo luật hạn chế các cơ hội kinh tế đối với phụ
nữ. Các đạo luật này bao gồm lệnh cấm hoặc hạn chế phụ nữ sở hữu tài sản,
mở tài khoản ngân hàng, ký kết hợp đồng, tham gia tố tụng, đi lại một mình,
lái xe hoặc kiểm soát tài chính gia đình.
Những hạn chế này đặc biệt phổ biến ở Trung Đông và Nam Á, các
vùng có tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động thấp nhất thế giới, lần lượt là
26% và 35%. Khoảng cách về giới vượt quá 50 điểm ở Pakistan, Iran, Ả Rập
Saudi và Ai Cập, và các rào cản đối với phụ nữ đi làm thường nằm ở chính
sách luật lẫn tập quán văn hóa. Trong một bài đăng trên tạp chí New Yorker,
Peter Hessler kể về một doanh nhân Trung Quốc mở một nhà máy điện thoại
di động tại Ai Cập, nhưng đã phải đóng cửa trong vòng một năm một phần
vì các nữ nhân viên của ông – mặc dù có tinh thần làm việc tích cực – đã bị
tập quán văn hóa Ai Cập buộc phải từ chối làm ca đêm và nghỉ việc một khi
lập gia đình.
Ở những nước lớn như Ấn Độ, nơi có chưa đến 30% phụ nữ
tham gia lực lượng lao động, các con số tổng thể cũng che giấu những điểm