nước thành viên của OECD gần đây đã triển khai, hoặc đang trong quá trình
triển khai, các chính sách nhằm gia tăng người nhập cư có tay nghề. Các
chương trình này đã tạo nên sự gia tăng đến 70% lượng người nhập cư có
trình độ đại học sống tại các quốc gia OECD, nâng tổng số lên đến 35 triệu
người vào năm 2000. Mặc dù phong trào chống di dân dâng lên mạnh mẽ
năm 2015, cuộc cạnh tranh âm thầm để thu hút nhân tài nước ngoài vẫn tiếp
diễn.
Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã hưởng lợi từ việc giành được chất xám,
giúp thúc đẩy nguồn sinh lực kinh doanh của xã hội Mỹ. Ngày nay người
nhập cư chiếm 13% tổng số dân Mỹ, nhưng họ chiếm đến 25% tổng số các
chủ doanh nghiệp mới và 30% số những người làm việc tại Thung lũng
Silicon. Trong 25 công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ vào năm 2013, 60%
được thành lập bởi những người nhập cư thuộc thế hệ đầu tiên hoặc thứ hai.
Steve Jobs tại Apple: thế hệ thứ hai từ Syria. Sergey Brin tại Google: thế hệ
đầu tiên từ Nga. Larry Ellison tại Oracle: thế hệ thứ hai từ Nga. Jeff Bezos
tại Amazon: thế hệ thứ hai từ Cuba. Trong khi nhiều nhà sáng lập này có
nguồn gốc di dân từ các nước chìm trong chiến tranh hoặc vấn nạn kinh tế,
khá nhiều người xuất thân từ các gia đình đã rời bỏ các nền kinh tế được
điều hành một cách chặt chẽ ở châu Âu, gồm Đông Đức cũ (Konstantin
Guericke tại Symantec), Pháp (Pierre Omidyar tại eBay) và Ý (Roger
Marino tại EMC).
Trong những năm gần đây, các ông trùm Thung lũng Silicon ngày càng
quan ngại việc Mỹ đóng cửa với người nước ngoài có tay nghề cao, đẩy
nước này vào thế bất lợi trong cuộc chiến giành nhân tài. Từ 2000, Mỹ đã
cho phép ngày càng nhiều người nước ngoài đến theo học chứ không làm
việc. Số lượng visa sinh viên đã tăng lên đến gần nửa triệu trong khoảng
thời gian đó, nhưng số lượng visa việc làm hoặc H1B vẫn giữ ổn định ở mức
khoảng 150.000. Mỹ đã tiễn 350.000 sinh viên tốt nghiệp về quê nhà mỗi
năm, chủ yếu về lại Ấn Độ và Trung Quốc, và các đối thủ cạnh tranh đã
quần đảo ở California để săn nhân tài mới ra lò.