tối hôm đó, nụ cười sẽ biến mất nếu như Henri biết được rằng khách sạn
của anh ta đang là một trong chuỗi dài các chủ nợ của ông khách.
Armstrong đẩy ghế đứng dậy, vứt chiếc khăn ăn lên bàn, không nói một
lời, bước ra khỏi khách sạn. Mấy cặp mắt nhìn theo khi ông rời phòng ăn,
còn một cặp mắt khác theo dõi tận khi ông bước xuống các bậc thềm. Ông
không nhận thấy một thủy thủ trẻ chạy vụt qua mặt ông về phía chiếc du
thuyền mang tên Hầu tước Lancelot.
Armstrong vừa ợ vừa sải bước trên đường, qua cả chục chiếc thuyền
đang neo lại với nhau nghỉ qua đêm. Ông thường thích thú nghĩ rằng Hầu
tước Lancelot dường như chắc chắn là chiếc du thuyền lớn nhất trong vịnh,
tất nhiên, trừ phi đêm đó Vua Brunei hoặc Quốc vương Fahd dong thuyền
vào cảng. Ý nghĩ duy nhất của ông đêm nay là chiếc du thuyền này, nếu
đem bán ngoài chợ trời, thì được bao nhiêu. Nhưng một khi đã biết sự thật,
liệu có ai muốn mua chiếc du thuyền đã từng là vật sở hữu của Richard
Armstrong?
Vịn tay vào dây chão, Armstrong giữ thăng bằng trên cầu tàu. Thuyền
trưởng cùng thuyền phó đang đứng đợi ông.
“Chúng ta đi ngay thôi”.
Viên thuyền trưởng không ngạc nhiên. Ông ta biết Armstrong không bao
giờ muốn neo tàu trong vịnh lâu hơn mức cần thiết. Chỉ có cái lắc lư nhè
nhẹ của con tàu mới ru ông vào giấc ngủ, ngay cả trong những giờ phút đen
tối nhất. Ông ta phát lệnh chuẩn bị ra khơi trong khi Armstrong cởi giầy,
mất hút dưới cabin tàu.
Khi mở cửa cabin sang trọng, ông lại thấy một chồng fax mới. Ông vồ
lấy chúng, vẫn hy vọng còn đường sống. Fax đầu là của Peter Wakeham,
Phó chủ tịch của Công ty Viễn thông Armstrong, lúc này vẫn đang còn ở
văn phòng London mặc dù đã rất muộn. “Xin hãy điện thoại ngay cho tôi”,
bức điện viết. Bức điện thứ hai từ New York, cổ phiếu của công ty đã
xuống một mức thấp mới và các ngân hàng của ông đã “miễn cưỡng” thấy
cần phải bán các cổ phiếu của họ ra thị trường. Bức điện thứ ba là của
Jacques Lacroix ở Geneva khẳng định rằng, vì ngân hàng không nhận được
50 triệu đôla vào cuối ngày làm việc, nên họ không còn cách nào khác là…