có lợi thế nằm trong khu vực người Mỹ kiểm soát. Thưa ngài đại úy! Tôi
không nghĩ đó là một mục tiêu thực tế”.
“Vậy thì ta bắt đầu phải thay đổi tất cả những thứ đó, đúng không?”
Armstrong nói. “Từ nay, ông hãy coi tôi như chủ bút của tờ báo này, tôi vẫn
để ông quyền làm Tổng biên tập. Sao ông không cho biết đang có những
khó khăn gì nào?”
“Tôi bắt đầu từ đâu bây giờ?” Schultz nhìn ông chủ mới, nói. “Máy in
của chúng ta quá cũ kỹ. Nhiều bộ phận đã hỏng mà không có cách nào
kiếm phụ tùng thay thế”.
“Lập danh sách những thứ ông cần, tôi sẽ lo phần còn lại.”
Schultz vẫn có vẻ không tin tưởng. Ông bắt đầu lau kính bằng chiếc
khăn rút từ túi ngực áo vét. “Rồi còn hay bị mất điện. Vừa mới cho máy
chạy được một lúc đã lại bị cắt, cho nên ít nhất một tuần có hai ngày không
in được số báo nào”.
“Tôi sẽ lo để chuyện đó không thường xảy ra”, Armstrong hứa mà chưa
biết sẽ phải làm thế nào. “Còn gì nữa?”
“Vấn đề an ninh. Bộ phận kiểm duyệt dò xét từng chữ, do đó khi báo
xuất hiện đã chậm một hai ngày, cộng thêm sau khi người ta đã đánh dấu
chì xanh vào những đoạn thú vị nhất, thì bài báo chẳng còn gì đáng đọc”.
“Được rồi. Từ nay đích thân tôi sẽ xem các bài viết. Tôi cũng sẽ nói với
bộ phận kiểm duyệt, để họ rộng rãi một chút. Hết chưa?”
“Chưa đâu, thưa đại úy. Vấn đề lớn nhất của tôi lại là đôi khi suốt cả
tuần có điện”.
“Tôi không hiểu. Sao đó lại là vấn đề được?”.
“Bởi vì tôi luôn cạn giấy”.
“Công suất máy in ngày bao nhiêu?”.
“Một trăm ngàn, nhiều nhất là một trăm hai mươi ngàn bản”.
“Còn tờ Der Berliner?”
“Khoảng hai trăm năm mươi ngàn. Mà ngày nào cũng thế”.
“Tôi sẽ lo việc ông được cung cấp đủ giấy in mỗi ngày cho số bản như
vậy. Hãy cho tôi đến cuối tháng”.