tốt”.
Trong bữa ăn tối hôm đó, Dick nói với Charlotte rằng một trong những
lý do anh đi Anh lần này là xem có thể kiếm được việc khi hoàn tất mọi thủ
tục giải ngũ không. Tuy cố gượng cười, gần đây nàng không biết chắc anh
có kể hết mọi chuyện với vợ không. Nếu gặng hỏi, anh thường thoái thác
bằng việc dùng những từ như “Tối Mật” và lấy ngón tay gõ lên đầu mũi
như anh thấy đại tá Oakshott thường làm.
Sáng hôm sau, binh nhì Benson đánh xe đưa anh ra sân bay. Tiếng loa
thông báo trong phòng đợi: “Mời đại úy Armstrong đến trạm điện thoại
quân sự nơi gần nhất trước khi lên máy bay”. Giá như máy bay của anh
đang không lăn bánh trên đường băng, thì chắc anh đã nghe cú điện thoại
đó.
Ba tiếng sau anh tới London. Anh tiến về phía một hạ sĩ đang tựa lưng
vào chiếc Austin bóng lộn, tay giơ cao tấm biển đề chữ “Đại úy
Armstrong”. Viên hạ sĩ đứng nghiêm chào khi thấy người sĩ quan tiến về
phía mình.
“Tôi cần đến Bridgend ngay”, anh nói trước khi người lái xe kịp mở
miệng. Xe bon bon trên đường A40, và vài phút sau Armstrong thiếp đi.
Mãi tới khi người lái xe gọi: “Chỉ còn vài dặm nữa là chúng ta đến nơi”,
anh mới tỉnh dậy.
Khi xe chạy vào trại, anh bỗng nhớ lại ngày mình còn ở trại Liverpool.
Nhưng lần này xe của anh chạy qua cổng, lính gác đứng nghiêm chào. Hạ
sĩ cho xe đỗ trước văn phòng của chỉ huy trại. Khi anh bước vào, một đại
úy từ sau bàn đứng đậy chào. “Tôi là Roach. Rất vui mừng được làm quen
với anh”. Armstrong nắm chặt bàn tay anh ta chìa ra. Đại úy Roach không
đeo huân chương trên quân phục và xem ra chưa hề qua eo biển Manche
lần nào, chưa nói gì đến vượt biển đối mặt với kẻ thù. “Không ai nói rõ
xem tôi có thể giúp anh bằng cách nào”, anh ta nói khi dẫn Armstrong tới
chiếc ghế mềm cạnh lò sưởi.
“Tôi muốn xem danh sách các tù binh phân về trại này”, Armstrong nói
mà không mất thì giờ vào những chuyện vớ vẩn. “Tôi có ý định gặp ba tù
binh để chuẩn bị một báo cáo trình Ủy ban Quân quản ở Berlin”.