những gì họ thể hiện trong bài kiểm tra ngay thời điểm này – một thước đo
tồi khi đánh giá các giáo viên đã chuẩn bị cho sinh viên như thế nào cho sự
phát triển sau này – thành ra họ chấm điểm cao nhất cho những giáo sư ít
đem lại cho họ những ích lợi lâu dài nhất. Những nhà kinh tế kết luận rằng
sinh viên thật sự đang lựa chọn lựa để trừng phạt những giáo viên vốn là
người đem lại cho họ nhiều lợi ích lâu dài tốt nhất. Đáng chú ý là những
sinh viên lớp Tích phân I với giáo viên có ít bằng cấp và ít kinh nghiệm
hơn thì thể hiện tốt trong lớp đó, trong khi những sinh viên với giáo viên
nhiều kinh nghiệm và bằng cấp hơn thì chật vật trong lớp Tích phân I
nhưng lại có thành tích tốt hơn trong những khóa học sau đó.
Một nghiên cứu tương tự được tiến hành tại đại học Bocconi của Ý,
trong đó 1.200 sinh viên năm thứ nhất được phân bổ ngẫu nhiên vào các
khóa học nhập môn về quản trị, kinh tế học, hoặc luật và rồi các khóa học
sau đó theo trình tự được ấn định là bốn năm. Nó cho ra một mô thức hoàn
toàn giống hệt. Những giáo viên hướng dẫn cho sinh viên đạt thành tích cao
trong khóa học của họ được xếp loại cao, và gây xói mòn thành tích của
sinh viên về lâu dài.
Nhà tâm lý học Robert Bjork lần đầu tiên sử dụng cụm từ “những
chướng ngại cần thiết” vào năm 1994. 20 năm sau, ông và một đồng tác giả
kết luận một chương sách nói về chủ đề áp dụng khoa học cho quá trình
học như sau: “Trên tất cả, thông điệp căn bản nhất chính là giáo viên và học
sinh phải tránh việc suy diễn những thành tích học tập hiện nay là kiến
thức. Thành tích tốt trong một bài kiểm tra trong quá trình học có thể chứng
tỏ sự tinh thông, nhưng thay vào đó, người học và giáo viên cần nhận thức
rằng những thành tích như thế thông thường sẽ là dấu hiệu của sự tiến bộ
nhanh, nhưng chỉ là thoáng qua.”
Đây là phần sáng của bức tranh: trong 40 năm qua, người Mỹ ngày
càng phát biểu nhiều trong các cuộc khảo sát quốc gia rằng học sinh hiện
nay nhận được nền giáo dục kém hơn bản thân họ ngày xưa, và thật sự họ
đã sai. Các điểm số từ “Khảo sát quốc gia về sự tiến bộ giáo dục”, hay
“Báo cáo quốc gia về năng lực của học sinh” đã tăng đều đặn từ thập niên
1970 cho đến nay. Rõ ràng là học sinh ngày nay đã thành thạo những kỹ