Có lẽ thật kỳ lạ khi một đứa trẻ bị bố mẹ kiềm chế tiềm năng vì xem
nhẹ môn thể thao của cậu lại trở thành nhân vật vô tiền khoáng hậu, thống
trị làng quần vợt. Không như Tiger, ít nhất hàng ngàn đứa trẻ đã có khởi
đầu giống Roger. Sự huấn luyện tuyệt vời dành cho Tiger là cốt truyện của
hàng loạt cuốn sách bán chạy nhất viết về sự phát triển năng lực chuyên
môn, trong đó có cuốn kỹ năng nuôi dạy con do bố của Tiger, ông Earl viết
nên. Tiger không chỉ chơi gôn. Cậu ấy tham gia vào quá trình “tập luyện có
chủ đích”, với quy tắc quá quen thuộc ngày nay là rèn luyện 10.000 giờ để
trở nên thành thạo một lĩnh vực nào đó. Quy tắc này cho rằng tổng số giờ
tập luyện với mức độ chuyên môn hóa cao là yếu tố duy nhất để phát triển
kỹ năng trong bất cứ lĩnh vực nào. Theo một nghiên cứu đối với 30 nhạc
công violon, tập luyện có chủ đích sẽ áp dụng với người học “được hướng
dẫn rõ ràng về phương pháp học tốt nhất”. Mỗi người có một giáo viên
giám sát, được nhận “phản hồi đầy đủ ngay lập tức và biết được kết quả rèn
luyện của họ”, đồng thời “liên tục lặp lại một số bài tập”. Hàng loạt công
trình về phát triển chuyên môn cho thấy hằng tuần, các vận động viên ưu tú
dành nhiều thời gian để chủ động tập luyện những kỹ thuật phức tạp hơn
những người bình bình ở cấp độ thấp hơn.
Tiger là biểu tượng cho quan điểm rằng số lần tập luyện có chủ đích sẽ
quyết định thành công – và kết quả tất yếu là quá trình tập luyện phải bắt
đầu càng sớm càng tốt.
Sự thôi thúc phải sớm tập trung vào chuyên môn và thu hẹp lĩnh vực
hoạt động không chỉ xuất hiện trong phạm vi thể thao. Chúng ta thường
được dạy rằng vì thế giới ngày càng cạnh tranh và phức tạp nên tất cả
chúng ta càng phải nắm vững chuyên môn (và bắt đầu rèn luyện sớm) thì
mới có thể tồn tại. Những biểu tượng thành công nổi tiếng nhất trong thời
đại này đều được phát hiện sớm và bồi dưỡng năng khiếu, đồng thời có
được khởi đầu thuận buồm xuôi gió, như Mozart với những phím đàn,
Mark Zuckerberg – CEO của Facebook với loại bàn phím khác. Trong tất