Khi không có các áp lực chéo về văn hóa, NASA đã không chịu học hỏi, rất
giống như các đối tượng nghiên cứu trong công trình của Patil – những
người làm việc trong một nền văn hóa có sự đồng nhất mạnh mẽ.
Tuy vậy, vẫn có những cá nhân ở NASA đã học được những bài học
văn hóa cực kỳ quan trọng, và khi thời cơ đến, đưa chúng vào sử dụng.
______
Vào mùa xuân năm 2003, chỉ hai tháng sau khi mất tàu con thoi
Columbia, NASA phải quyết định có nên từ bỏ một dự án nổi tiếng đã triển
khai được 40 năm và tiêu tốn 750 triệu đô-la. Tàu thăm dò trọng lực
Gravity Probe B (GP-B) là một tuyệt tác công nghệ được thiết kế để kiểm
tra trực tiếp thuyết tương đối rộng của Einstein. Nó sẽ được phóng vào
không gian để đo lường xem khối lượng và vòng quay của trái đất đã bẻ
cong kết cấu không-thời gian như thế nào, giống như một quả bóng
bowling xoay tròn trong một thùng mật ong. GP-B đã nổi tiếng là dự án dài
nhất trong lịch sử của NASA. Và đó không phải là một lời khen thực sự.
Dự án này được hình thành một năm sau khi thành lập NASA. Các đợt
phóng đã bị trì hoãn nhiều lần do các vấn đề kỹ thuật, và NASA gần như đã
phải hủy bỏ dự án đến ba lần. Một số nhân viên tại NASA không còn nghĩ
rằng con tàu có thể cất cánh và kinh phí phải được tiếp thêm liên tục nhờ
một nhà vật lý tại Đại học Stanford với sở trường vận động hành lang trong
Quốc hội.
Những thách thức công nghệ cực kỳ lớn. Tàu thăm dò đòi hỏi phải chế
tạo những vật thể tròn nhất trên thế giới – con quay hồi chuyển bằng thạch
anh với kích thước của những quả bóng bàn và có hình cầu hoàn hảo đến
mức nếu bạn thổi chúng lên với kích thước của trái đất, đỉnh núi cao nhất sẽ
chỉ cao khoảng tám feet (2,4m). Các con quay hồi chuyển phải được làm
lạnh đến nhiệt độ -450°F (khoảng -232oC) bằng helium lỏng và động cơ
đẩy của tàu thăm dò phải được thiết kế tinh xảo để vận hành chính xác. Mất
20 năm để phát triển công nghệ này trước khi chiếc tàu sẵn sàng để bay thử
nghiệm.