Michael Dregni, người đã viết rất nhiều sách về giai đoạn đó, chơi ngẫu
hứng là “một khái niệm đi ngược lại với cách đào tạo trong nhạc viện... Sau
nhiều năm được đào tạo chuyên sâu trong nhạc viện, đối với một số nhạc sĩ,
việc chuyển đổi là không thể”. Leon Fleisher, vốn được xem là một trong
những nghệ sĩ dương cầm nhạc cổ điển vĩ đại của thế kỷ XX, nói với đồng
tác giả cuốn hồi ký xuất bản năm 2010 rằng “ước mơ lớn nhất” của ông là
có thể chơi ngẫu hứng. Nhưng dù cho tôi dành cả đời mình để diễn đạt
hoàn hảo những nốt nhạc lên trang giấy, ông bảo, “Tôi không thể nào chơi
ngẫu hứng”.
Sự tương đồng mà Cecchini mô tả với việc học ngôn ngữ không có gì
lạ cả. Thậm chí ngay cả phương pháp hướng dẫn âm nhạc của Suzuki, đồng
nghĩa với nhận thức đại chúng về việc tập luyện sớm, được Shinichi Suzuki
thiết kế để bắt chước khả năng tiếp thu ngôn ngữ tự nhiên. Suzuki lớn lên
xung quanh xưởng vĩ cầm của bố mình, nhưng xem nhạc cụ không khác gì
một món đồ chơi. Khi ông đánh nhau với anh em của mình, họ cầm vĩ cầm
nện nhau. Ông không thử chơi nhạc cụ ấy cho đến khi 17 tuổi, lúc ông xúc
động khi nghe bản Ave Maria. Ông mang một cây vĩ cầm từ xưởng về nhà
và cố gắng bắt chước một bản nhạc cổ điển bằng tai. “Kỹ thuật tự học hoàn
chỉnh của tôi chẳng khác gì một vết sượt qua như mọi thứ khác,” ông nói về
đột phá ban đầu đó, “nhưng bằng một cách nào đó cuối cùng tôi nắm được
kỹ thuật đó để có thể chơi được bản nhạc.” Chỉ về sau này ông mới theo
học các buổi học chuyên môn và trở thành nghệ sĩ biểu diễn và sau đó là
một nhà giáo dục. Theo Hiệp hội Suzuki ở Mỹ: “Trẻ em không thực hành
các bài tập để học nói... Trẻ em học đọc sau khi khả năng học nói đã được
thiết lập thành thạo.”
Xét một cách tổng thể, bức tranh khá là phù hợp với kết quả của một
nghiên cứu kinh điển vốn không chỉ xét riêng âm nhạc: độ rộng của đào tạo
dự đoán độ rộng của việc chuyển giao. Điều đó có nghĩa là học một điều gì
đó trong càng nhiều bối cảnh thì người học càng có khả năng tạo ra nhiều
mô hình trừu tượng, và họ càng ít phải dựa vào một ví dụ nào cụ thể. Người
học trở nên giỏi hơn trong việc áp dụng kiến thức của họ vào một tình
huống mà họ chưa bao giờ thấy trước đây, vốn là bản chất của sự sáng tạo.