quả. Lẽ dĩ nhiên, các lớp học hoàn toàn khác biệt. Ở Hà Lan, học sinh
thường đến lớp muộn và dành nhiều thời gian trong lớp để tự học. Ở Hồng
Kông, lớp học khá giống với Mỹ: thay vì tự học, hầu hết thời gian là các
bài giảng. Một số quốc gia sử dụng nhiều ví dụ từ thực tế, một số khác dựa
vào toán học biểu tượng. Một số lớp học giữ học sinh ngồi yên trên ghế,
một số khác mời học sinh lên bảng. Một số giáo viên rất năng động, số
khác thì trầm lặng. Bảng danh sách khác biệt rất dài, nhưng không có đặc
điểm nào trong số đó liên quan đến sự khác biệt trong thành tích của học
sinh giữa các nước. Bên cạnh đó cũng có những điểm tương đồng. Trong
mọi lớp học ở mỗi quốc gia, giáo viên đều dựa vào hai loại câu hỏi chính.
Thể loại phổ biến hơn cả là các câu hỏi “áp dụng quy trình”: về cơ
bản, nó là thực hành những cái vừa được học. Ví dụ, dựa vào công thức
tính tổng số đo các góc trong một đa giác (1800 x (số cạnh của đa giác-2)),
và áp dụng nó để tính các đa giác trong bài tập. Thể loại câu hỏi thứ hai là
“tạo mối liên kết” vốn kết nối học sinh với một khái niệm rộng hơn, thay vì
chỉ đưa ra một quy trình. Đó là khi giáo viên hỏi học sinh tại sao lại có
công thức như vậy, hoặc buộc học sinh cố gắng tìm hiểu xem liệu nó có áp
dụng được với một hình đa giác bất kỳ từ tam giác cho đến bát giác hay
không. Hai thể loại câu hỏi đều hữu ích và đều được các giáo viên đặt ra
trong mọi lớp học ở mọi nước được nghiên cứu. Nhưng sau khi đặt câu hỏi
tạo mối liên kết, điều tiếp theo mà những giáo viên này làm đã nảy sinh
điểm khác biệt quan trọng.
Thay vì để học sinh vật lộn với những lúng túng, mỗi khi học sinh yêu
cầu giúp đỡ, giáo viên thường phản hồi bằng cách đưa ra gợi ý để biến câu
hỏi tạo mối liên kết thành câu hỏi áp dụng quy trình. Đó chính xác là những
gì mà cô giáo đầy lôi cuốn trong lớp học Mỹ đang làm. Lindsay Richland,
vị giáo sư đại học Chicago đang nghiên cứu về việc học, đã cùng tôi xem
cuốn băng đó và bảo tôi rằng khi các học sinh đang chơi trò câu hỏi trắc
nghiệm với cô giáo, “những gì bọn trẻ đang làm thật ra là tìm kiếm quy
luật”. Chúng đang cố gắng chuyển một vấn đề khái niệm mà chúng không
hiểu thành một vấn đề quy trình mà chúng có thể ứng dụng được. “Con
người rất giỏi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ mà tiêu tốn ít sức lực nhất có