Rồi có phản hồi từ Cambridge, bà ngoại đưa ra phán quyết rằng chuyện
của Caroline có thể chấp nhận được, nhưng Bailey sẽ theo học ở Harvard
,
tất nhiên rồi.
Đây không phải là một yêu cầu cải trang dưới bất cứ hình thức nào.
Thuần túy là một yêu cầu. Những phản đối viện lý do khả năng tài chính đã
bị nghiền nát từ trước khi được nêu lên, bằng một tuyên bố rõ ràng rằng học
phí của Bailey đã được thu xếp ổn thỏa.
Những tranh cãi nổi lên trước cả khi Bailey được hỏi ý kiến.
“Con muốn đi học,” cậu nói, khi mọi người dừng lại đủ để cậu có thể
chen vào.
“Con sẽ tiếp quản trang trại” là câu trả lời của bố cậu. Tốt hơn hết là cứ để
mọi sự lắng xuống rồi sau này xới lên sau, đặc biệt khi Bailey chưa tròn
mười sáu và cần một khoảng thời gian kha khá trước khi quay lại câu
chuyện này.
Nhưng cậu hoàn toàn không hiểu tại sao cậu luôn khiến chủ đề này
thường xuyên bị động đến. Cậu cho rằng dù đi học thì vẫn luôn có thể trở về
trang trại, và rằng bốn năm cũng không phải là quãng thời gian nhiều nhặn
gì.
Lý luận của Bailey ban đầu chỉ vấp phải những bài thuyết giảng, nhưng
rồi nhanh chóng trở thành những phán quyết ồn ào và những cánh cửa giận
dữ sập lại. Mẹ cậu hết sức đứng ngoài các cuộc tranh luận, nhưng khi bị sức
ép thì bà đồng tình với chồng, đồng thời lại lặng lẽ khẳng định rằng đó nên
là quyết định của Bailey.
Bailey cũng không chắc mình muốn đến Harvard. Đúng là cậu thích thành
phố hơn Caroline, và đi học đối với cậu có vẻ là một lựa chọn với nhiều ẩn
số và nhiều cơ hội nhất.
Còn trang trại chỉ có cừu, táo và những điều quá dễ đoán. Cậu đã có thể
mường tượng sẽ ra sao. Mỗi ngày. Mỗi mùa. Khi nào táo sẽ rụng, khi nào
cừu cần xén lông, khi nào sương muối sẽ rơi.