Một số người cố công tìm đến ông, những cuộc gặp gỡ và chiêu đãi sau
đó đã đưa tin về một kiểu câu lạc bộ, hội những người say mê rạp xiếc.
Cái tên kẻ mộng mơ ban đầu chỉ là bông đùa, nhưng rồi nó dính chặt lấy
bởi quá phù hợp.
Herr Thiessen vô cùng thích thú khi quanh mình có những tâm hồn đồng
điệu từ khắp châu Âu, đôi khi còn xa hơn, những người có thể cùng ông nói
mãi không dứt về rạp xiếc. Câu chuyện của những kẻ mộng mơ khác thêm
chất liệu cho trang viết của ông. Ông tặng họ những chiếc đồng hồ nhỏ làm
kỷ niệm, những chiếc đồng hồ do chính ông làm, lấy cảm hứng từ những tiết
mục yêu thích của họ. (Chẳng hạn tuyệt tác về một nghệ sĩ nhào lộn tí hon
treo mình trên ruy-băng, làm tặng một phụ nữ trẻ phần lớn thời gian đến rạp
chỉ ở trong căn lều mênh mông đó, chăm chú nhìn lên.)
Chính ông đã vô tình khởi xướng xu hướng thời trang trong những kẻ
mộng mơ. Ông nói tại một bữa tối ở
Munich – rất nhiều bữa tối được tổ chức gần nhà ông, và cũng được tổ
chức cả ở London, Paris và vô số thành phố khác – rằng mỗi khi đến rạp
xiếc ông thường thích mặc áo khoác đen, để hòa mình hơn vào xung quanh
và cảm thấy mình là một phần của rạp xiếc. Nhưng đồng thời, ông quàng
khăn đỏ thắm, để làm mình nổi bật lên, để nói lên rằng từ trái tim mình ông
là một khán giả, một người quan sát.
Lời nói lan đi rất nhanh trong nhóm công chúng đặc biệt ấy, và thế là
những kẻ mộng mơ bắt đầu truyền thống đến Le Cirque des Rêves trong
trang phục đen, trắng hoặc xám, với một thứ duy nhất màu đỏ: khăn quàng
hoặc mũ, nếu trời ấm thì cài một bông hồng nhung trên ve áo hoặc sau vành
tai. Đó cũng là cách hữu dụng để nhận ra các kẻ mộng mơ khác, một tín hiệu
đơn giản cho những người đã ngầm biết.
Có những người có điều kiện, hoặc không có nhưng biết tháo vát xoay xở
để đi theo rạp xiếc hết từ nơi này đến nơi khác. Không ai biết trước lộ trình.
Vài tuần rạp xiếc lại xuất hiện ở địa điểm mới, đôi khi có những đợt nghỉ dài
hơn, và chẳng ai biết rạp xiếc sẽ xuất hiện ở đâu cho tới khi những căn lều