Người đàn ông trên sân khấu có vẻ đứng tuổi hơn vị ảo thuật gia đêm
hôm trước. Trang phục đẹp hơn và cử động của ông ta chính xác hơn. Mỗi
tiết mục không chỉ lạ mà còn rất cuốn hút.
Những tràng vỗ tay nhiệt thành thán phục chứ không vì lịch sự.
Và ảo thuật gia này không giấu khăn trong cổ tay áo. Chim xuất hiện từ
mọi vị trí và không hề bị nhốt trong lồng. Có những ngón nghề mà cậu bé
chỉ gặp trong những bài học của mình. Những thủ thuật và ảo giác mà cậu
đã được dặn đi dặn lại rằng phải giữ bí mật.
Chính cậu cũng vỗ tay khi Prospero Người Mê Hoặc cúi chào lần cuối.
Một lần nữa, thầy của cậu không chịu giải đáp câu hỏi nào cho đến khi họ
về tới London.
Trở lại căn nhà phố, quay về nhịp sinh hoạt đều đặn như thể chưa từng bị
gián đoạn, đầu tiên người đàn ông mặc đồ xám bảo cậu bé hãy chỉ ra sự
khác biệt giữa hai màn trình diễn.
“Người đầu tiên dùng gương và kĩ xảo phụ trợ, khiến khán giả nhìn đi chỗ
khác khi ông ta muốn che giấu gì đó, do vậy tạo nên hiệu ứng ảo. Người thứ
hai, tên giống vị công tước trong vở Cơn bão, cũng giả vờ thực hiện những
điều tương tự, nhưng ông ta không dùng đến gương hay mánh khóe. Ông ta
làm như thầy vẫn làm.”
“Rất tốt.”
“Thầy có biết ông ta không ạ?” cậu bé hỏi.
“Ta biết ông ấy từ rất lâu rồi.”
“Ông ta có dạy những thứ đó không ạ, như thầy đã dạy con ấy?”
Ông thầy gật, nhưng không giải thích gì thêm.
“Sao khán giả lại không nhận ra sự khác biệt ạ?” cậu bé hỏi. Rõ là cậu
nhận thấy sự khác biệt, dù không cắt nghĩa được tại sao. Rõ là đôi mắt cậu
quan sát thấy, và cậu cảm nhận được gì điều gì đó trong bầu không khí.