“Đám người đó chẳng là gì hết,” bố cô nói. “Thậm chí họ còn chẳng hiểu
nổi những gì họ nghĩ, nhìn và nghe thấy. Tốt hơn cứ để họ tin rằng họ đang
nhận được những giao cảm kỳ diệu từ thế giới bên kia. Tại sao không tận
dụng điều đó, nhất là khi họ sẵn lòng dốc hầu bao cho thứ việc dễ ợt ấy?”
Celia cho rằng bao nhiêu tiền cũng không bõ cái công việc hành xác đó,
nhưng Hector rất kiên quyết, và thế là hai bố con tiếp tục lên đường, phù
phép cho những cái bàn bay lên lơ lửng và tạo ra hồn ma sẽ gõ lên những
bức tường được phủ đủ loại giấy dán đắt tiền.
Celia vẫn không hiểu tại sao những khách hàng của cô tha thiết níu giữ
mối liên kết và sự an ủi đến vậy. Chính cô chưa bao giờ muốn liên lạc với
người mẹ đã qua đời của mình, và cô không cho rằng mẹ sẽ nói gì đó với cô
nếu bà có thể nói được, đặc biệt qua những cách thức phức tạp đến vậy.
Tất cả là dối trá, cô chỉ muốn nói vậy với họ. Những người đã chết không
lang thang trong không khí chỉ cốt để lịch sự gõ lên chén trà, lên mặt bàn,
hay thì thầm gì đó nhờ những tấm rèm bị gió lay động đâu.
Thỉnh thoảng cô làm vỡ những món đồ quý của khách hàng, đổ lỗi tại các
linh hồn không chịu ngồi yên.
Bố chọn cho cô những cái tên khác nhau mỗi khi họ chuyển đến nơi khác,
nhưng ông thường dùng tên Miranda nhất, có lẽ bởi ông biết cái tên đó
khiến cô khó chịu đến mức nào.
Vài tháng sau cô kiệt sức vì phải đi lại nhiều, vì áp lực và vì bố hầu như
không cho cô ăn gì, ông bảo vẻ ốm yếu khiến cô càng có vẻ đáng tin hơn và
gần hơn với thế giới bên kia.
Chỉ sau khi cô thực sự bị bất tỉnh trong lúc gặp khách hàng, chứ không
phải dàn dựng một màn ngất xỉu màu mè kịch tính đến hoàn hảo, thì ông
mới đồng ý về nhà của hai bố con ở New York vài ngày.
Một buổi chiều ngồi dùng trà, người cha hé mắt nghía đống mứt và kem
bơ Celia chất lên cái bánh của mình, rồi bảo ông đã sắp xếp để cuối tuần cô
sẽ gặp một bà quả phụ u sầu ở đầu kia thành phố, bà này bằng lòng trả gấp