Con dao lại bay qua căn phòng chật ních những đồ đạc bọc nhung và khắc
gỗ cầu kỳ, lượn sát qua một bình pha lê cao cổ đựng rượu brandy. Con dao
vun vút quay tròn lộn đầu đuôi, và một lần nữa lưỡi dao cắm ngập vào bia.
Lần này nó chọc thủng mảnh báo đã te tua, găm giữa từ “khán giả” và “màn
trình diễn,” hoàn toàn nuốt trọn từ “bằng.”
Chandresh đi theo đường bay của con dao, rút lưỡi dao ra khỏi bia, từ từ
nhưng dứt khoát. Ông đi ngược trở lại đầu kia của căn phòng, một tay cầm
dao, một tay giữ ly rượu brandy, rồi quay phắt lại bằng gót chân, một lần
nữa lưỡi dao lao đi, nhằm trúng cái từ kinh khủng ấy. Gần như.
Rõ là ông đã làm sai điều gì đó. Nếu sản phẩm của ông chỉ gần như xuất
chúng, tức là có thứ gì đó thực sự xuất chúng đang tồn tại đâu đây, chờ để
được thu nhận, thế thì nhất định còn có việc phải làm.
Ông chìm đắm trong suy nghĩ đó kể từ khi bài báo được đặt trên bàn làm
việc của ông, do anh trợ lý khéo cắt ra và đánh dấu. Có thêm mấy bản dự trữ
đã được lưu ở đâu đó đề phòng sau này cần đến, vì các bản đặt trên bàn làm
việc thường chịu chung số phận bi thảm khi Chandresh nổi khùng với mỗi
con chữ.
Chandresh mê mẩn những phản hồi từ khán giả. Những phản hồi thật lòng
chứ không chỉ là tràng pháo tay lịch sự. Ông thường rất trân trọng những
phản ứng về chính buổi biểu diễn. Một buổi diễn mà không có khán giả thì
rút cục chỉ đáng vứt đi. Nguồn sức mạnh của các tiết mục chính là từ sự
quan tâm của khán giả. Chandresh đã lớn lên trong nhà hát, từ những lô ghế
dành cho khán giả đến xem vũ ba-lê. Bản tính hiếu động, cậu bé ngày đó
nhanh chóng phát chán những điệu múa lặp đi lặp lại, thế là cậu quay ra xem
khán giả, thích thú quan sát khi họ mỉm cười và ngạc nhiên, khi các bà thở
dài còn các ông bắt đầu gà gật ngủ.
Cho nên chẳng có gì lạ khi bây giờ, sau nhiều năm đã qua, Chandresh vẫn
thấy khán phòng còn thú vị hơn cả màn trình diễn. Dù tất nhiên màn trình
diễn phải độc đáo thì mới chiếm được những tình cảm tốt đẹp nhất từ khán
giả.