- Mình không đủ thời gian để kiểm tra từng ngôi nhà một ở khu vực ấy. À
này, Ryuji, khả năng còn lại là gì?
- Còn một khả năng nữa. Đó là không có bất kỳ ai, ngoài bốn đứa trẻ, cậu
và tớ, xem được những hình ảnh ấy. Này, liệu cái thằng ranh học tiểu học
đã ghi hình cuộn băng đó có biết là tần số sóng sẽ thay đổi theo từng khu
vực không nhỉ? Chẳng hạn như kênh bốn ở Tokyo sẽ được phát trên các
kênh hoàn toàn khác nhau tuỳ theo mỗi địa phương. Một thằng nhãi dốt đặc
thì không biết được điều này nên có khi nó đã chỉnh theo kênh của Tokyo
để ghi hình cũng nên.
- Ý cậu là sao?
- Động não đi nào. Thế những người sống ở Tokyo như chúng ta có bao giờ
xem kênh hai không?
Đúng vậy, rất có thể cậu bé ấy đã chỉnh sang kênh, mà nếu là người ở đó thì
không bao giờ làm thế, để ghi hình. Và cậu ta không thể kiểm tra được hình
ảnh đang ghi là gì, vì chương trình mà họ đang xem là một chương trình
khác. Hơn nữa, khu vực đó là vùng núi, dân cư thưa thớt nên số người xem
ti vi chắc chắn rất ít.
- Tóm lại, vấn đề là trạm phát sóng đó nằm ở đâu. - Ryuji nói dứt khoát.
Trạm phát sóng, vấn đề này chẳng dễ giải quyết nếu không tiến hành một
cuộc điều tra có tổ chức và khoa học.
- Chờ chút đã nào. Đã chắc gì giả định này là đúng. Việc thằng bé ghi nhầm
phải dải sóng lạ chẳng qua chỉ là một suy luận thôi mà.
- Tớ biết. Nhưng thưa ông bạn, nếu ông bạn chờ đến khi nắm được những
bằng chứng chắc ăn một trăm phần trăm mới tiến hành thì chỉ có nước tắc
tị. Chả còn cách nào khác đâu.
Sóng vô tuyến. Kiến thức khoa học của Asakawa rất nghèo nàn. Gã sẽ phải
bắt đầu từ một khái niệm vô cùng đơn giản: sóng vô tuyến là gì? Gã chẳng
còn nước nào khác là phải tìm ra nó, cái trạm phát sóng ấy. Gã buộc phải
tới chỗ đó một lần nữa. Nếu không tính hôm nay, thời hạn của gã còn lại
bốn ngày.
Vấn đề tiếp theo là kẻ nào đã xoá mất câu thần chú. Nếu giả định rằng cuộn
băng được ghi tại chỗ thì kẻ xoá mất dòng chữ đó chỉ có thể là bọn trẻ.