Vũ Ngọc Tiến
Rồng Đá
Vị phồn thực
1- Tôi tỉnh dậy sau một đêm dài mộng mị. Hắn và cả cái phòng tranh quái
đản, trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật cứ ám ảnh tôi suốt đêm, không sao
chợp mắt được, đầu óc rối tinh, bộn bề những kỷ niệm về tình bạn giữa tôi
với hắn một thời lửa máu. Ngần ấy năm bầu bạn thân thiết, tôi chỉ biết hắn
đã từng làm thơ, viết văn, rồi vì thứ của nợ ấy hắn dính đòn, bị đẩy ra mặt
trận, thành lính trinh sát pháo binh, cùng tiểu đội với tôi ở chiến trường khu
Năm ác liệt. Đành rằng hắn có chút hoa tay, vẽ sơ đồ các cứ điểm của địch
chuẩn xác và sinh động đến kỳ lạ, nhưng để làm họa sĩ lại là chuyện khác.
Thơ hắn tứ lạ, lời đẹp mà hắn lại gác bút mấy chục năm, rồi chuyển sang
nghề vẽ, làm tôi ngỡ ngàng…
2- Chẳng biết hắn học quy luật về ánh sáng, hình sắc, đường nét ở đâu, từ
bao giờ mà phòng tranh vừa mở đã gây ồn ào dư luận, khen chê các kiểu.
Mới tập tọng vào nghề, hắn đã nhảy ngay vào lĩnh vực tranh tiêu đề khổ
lớn, mỗi bức to bằng lá chiếu đại. Đã là tranh tiêu đề thì đằng sau bố cục và
những gam màu còn ẩn chứa nội hàm tư tưởng triết mỹ của tác giả, chứ đâu
có bỡn. Vậy mà trong hết thảy các bức vẽ, hắn đều đặt tâm điểm triết mỹ
vào hình tượng người đàn bà khỏa thân, ngồn ngộn những V và L!
Choán hết mặt tường chính diện ở gian đại sảnh, hắn trưng bày bức tranh
“Thăm lại chiến trường xưa”, khiến ai bước vào, thoạt nhìn đã vãi linh hồn.
Cái chiến trường khu Năm tôi với hắn ở lâu nhất là Quảng Nam, Quảng
Ngãi. Nó ác liệt tới mức lính ta chết vì bom đạn đã nhiều nhưng chết đói
cũng không ít. Trên hồ sơ báo tử từ mặt trận gửi về Bộ Quốc phòng chỉ ghi
lạnh lùng hai chữ “sốt rét”, nhưng xin các ông bố bà mẹ, những người vợ
hiền ở hậu phương thời ấy biết cho, lũ lính chúng tôi sốt rét ít thôi, đa phần
là chết đói. Đói vì mấy ông chỉ huy hám thành tích, vững lập trường “tự lực
cánh sinh”, chỉ nhận người và vũ khí, còn lương thực xin cấp trên cho được
tự túc. Xứ Quảng đói nghèo, miền Tây Quảng Ngãi càng đói nghèo, nhưng